Tìm kiếm tin tức

Câu chuyện ý chí

Thứ ba, 2:30, 20/08/2013

(Hoàng Hồng Minh) -  Câu chuyện nào thì cũng là vô tận. Nữa là câu chuyện về “ý chí”.

Về đại thể, có thể xem ý chí như một chủ ý dẫn dắt một quá trình hành động, bắt đầu từ quan niệm  về hành động (“hiểu biết”, có thể còn rất mơ hồ), đến hình dung trước về kết quả hành động (“chủ đích”, có thể rồi cũng hóa ra thật mơ hồ), rồi quyết định hành động (“quyết đoán”, về bản chất là “tự quyết”, liên quan đến “tự do”), và nhận lĩnh trách nhiệm về hành động (“đạo hạnh”).  Ý chí là kẻ chủ trì toàn bộ quá trình này.

Ý chí xúc cảm 

Câu chuyện ngày xưa ông Ngu rời núi, thật là chuyện vĩ đại, ở cái thời chỉ có xẻng cùn, sọt nát, cùng người nhà thưa thớt của ông. Nhưng ông Ngu đã “thấy” cả một tương lai bất tận, nơi đó con mình, cháu mình, chắt mình, chút mình, chít mình... rồi sẽ nối việc… Và ông Ngu cứ việc hành chí rời núi.

Ý chí xúc cảm hoạt động “bằng mọi giá”, dựa trên tờ thanh toán đã được kí khống. Ý chí trí tuệ hoạt động bằng hiệu năng, với “cái giá thấp nhất có thể”, dựa trên sự kiểm tra, đo đạc, xét đoán về môi trường.

Ý chí này, ý chí xúc cảm. Một mục tiêu được đặt ra, mọi giá cả, mọi khó khăn, mọi ngặt nghèo về không gian, mọi rắc rối về thời gian, và cả việc làm sao để nghiệm thu, đều không thành vấn đề... Tinh thần của ý chí xúc cảm có thể chốt lại như thế này: “tất-cả-để”.
Trong đời sống, của mỗi cá nhân, hay của mỗi cộng đồng, ở những thời điểm thử thách sống còn, ý chí xúc cảm là điều vĩ đại. Nó giúp mỗi người hay mỗi cộng đồng đủ sức để có thể vượt lên được từ nghịch cảnh vô cùng khắc nghiệt: Một người tay không bị trôi lênh đênh nhiều ngày đêm giữa biển cả, một vùng quê nước lụt trắng tràn, một thành phố chợt hóa thành bãi rác-nghĩa địa khổng lồ sau một cơn địa chấn-sóng thần kinh hồn... Không có nó, người ta chỉ còn biết nhắm mắt xuôi tay. 

Ý chí trí tuệ

May mắn thay, thế giới con người ngày càng văn minh hơn, xét về tổng thể cho đến nay. Những đại họa do chính con người gây hấn vẫn rập rình đó đây, nhưng không còn là những biểu đạt chính yếu nhất của đời sống hôm nay trên toàn cầu. Dòng chảy của kiến thiết nay đã thành ra trọng yếu hơn dòng chảy của bạo hoại. Và trên cái nền tảng của dòng chảy kiến thiết, con thuyền loài người ngày càng cần đến hơn một ý chí khác: “Ý chí trí tuệ”, cái ít được biểu đạt trong ý niệm truyền thống về ý chí, đặc biệt là ở phương Đông xưa kia. 

Xúc cảm và lý trí là hai lĩnh vực luôn giằng xé nhau. Cuối cùng thì chúng ta sẽ có một thứ ý chí tổng thể, ý chí này phải tìm cách đứng chân như thế nào trên cùng cả hai miền đất đang luôn luôn trôi dịch này.

Khác với ý chí xúc cảm, thứ ý chí “tất-cả-để” dựa trên biển cảm xúc đầy bản năng, ý chí trí tuệ hoạt động trên vòng vận động của quan sát, học hỏi, phân tích, đánh giá, lựa chọn, quyết định, tổng hợp, thiết kế lộ trình, điều hành, kiểm tra, điều chỉnh, nghiệm kết… Ý chí này là của lý trí, là của tự do, là của lý trí của tự do, là của tự do của lý trí, là cái chỉ có thể có ở con người.

Ý chí xúc cảm hoạt động “bằng mọi giá”, dựa trên tờ thanh toán đã được kí khống. Ý chí trí tuệ hoạt động bằng hiệu năng, với “cái giá thấp nhất có thể”, dựa trên sự kiểm tra, đo đạc, xét đoán về môi trường.

Ý chí xúc cảm cố gắng tổng huy động các cơn bão xúc cảm. Ý chí trí tuệ nhắm lấy sự tỉnh táo làm cột buồm thống lĩnh.

Ý chí xúc cảm gắng chiếm mọi không gian hành động, vận dụng “chủ nghĩa đại trà”. Ý chí trí tuệ khoanh định không gian kiểm soát được của mỗi hoạt động.

Ý chí xúc cảm gắng chiếm mọi thời gian cho hành động, với tinh thần “một lần, và cho mãi mãi”. Ý chí trí tuệ là ý chí lộ trình, chia định thời gian hoạt động thành những thời hạn, để sau mỗi thời hạn đó có thể quyết định được là sẽ tiếp tục hoạt động này, hay cải cách hoạt động này, hoặc từ bỏ nó, hoặc chuyển đổi sang hoạt động khác; ý chí trí tuệ phải phối hợp được các hoạt động của hệ thống tổng thể đa tiết điệu trong thời gian.

Ý chí xúc cảm gắng nhắm tập trung hết vào “một”, một hoạt động tâm điểm, duy nhất. Ý chí trí tuệ nhắm đặt ưu tiên hệ thống tổng thể lên trên mỗi hoạt động riêng của nó, dẫu như có một hoạt động riêng nhất định nào đó được ưu tiên chính yếu trong một thời điểm.

Ý chí xúc cảm gắng chủ trương “cứ thế mà làm, “chống nghĩ lại”. Ý chí trí tuệ phân tách bản thân hoạt động “hiện thực” ra khỏi lãnh vực suy nghiệm, để hướng tới khả năng kiểm tra trở lại được, không chỉ hoạt động “hiện thực” ấy, mà cả chính chủ trương tinh thần đang dẫn dắt nó.

Ý chí xúc cảm đề cao tận dụng mọi tập tục để cuốn hút được mọi sức mạnh của xúc cảm. Ý chí trí tuệ khai phóng các phương thức mới, và lựa chọn lại, làm mới lại, thích ứng lại các yếu tố cổ truyền hữu dụng trước khi cho phép chúng được gia nhập, được tích hợp trở lại vào các chương trình kiến thiết mới. 

Ý chí xúc cảm hướng tới linh thiêng hóa, trường cửu hóa các quyết định. Ý chí trí tuệ hướng tới giải thiêng, thế tục hóa, kiểm kê, kiểm tra, phán xét, phê phán trở lại các quyết định.

Ý chí xúc cảm hướng đến say số lượng, mê ôm đồm, gộp gạp mọi yếu tố “có ích” dù nhỏ bé hay nhất thời, bất kể mâu thuẫn hỗn tạp mà chúng có thể đang và sẽ gây nên. Ý chí trí tuệ hướng tới tính hợp lý, chắt lọc, hòa hợp, ăn ý.

Ý chí xúc cảm tuy có thể bền bỉ, nhưng mục tiêu lại thường hướng tới tính cấp cứu, kết quả tức thì, đặc tính cổ võ. Ý chí trí tuệ hướng tới tính kiến thiết, tính trừu tượng, tính nền tảng, tính dài lâu.

Ý chí xúc cảm có thể lấy mục tiêu hoạt động “đi đến tự do”, nhưng cách thức hoạt động không được tham vấn bởi tự do, rốt cuộc mục tiêu hoạt động “đi đến tự do” thường không đạt đến. Ý chí trí tuệ lấy tự do làm bản thể cho chính ngay sự tồn tại và vận hành của nó.

Ý chí xúc cảm không có ý niệm về quyền-hạn, quyền lực chế ngự được. Ý chí trí tuệ lấy quyền-hạn, quyền lực chế ngự được, làm điều kiện cho sự chính đáng của sự tồn tại của nó.

Ý chí xúc cảm không cần có quy chế tài phán độc lập. Ý chí trí tuệ coi qui chế tài phán độc lập là cái đảm bảo cho tính điều tiết được của sự tồn tại của nó.

Ý chí xúc cảm một khi được kéo dài thường trở thành xu hướng độc đoán, cấm đoán các xu hướng khác, để dành ưu tiên tối đa cho hoạt động được nó bảo lãnh. Ý chí xúc cảm có xu thế bảo vệ quá mức hoạt động được bảo chế của mình. Ý chí trí tuệ coi việc hài hòa các xu hướng của toàn bộ hệ thống của các hoạt động là bắt buộc cho sự bền vững của hệ thống.

Ý chí tổng thể, hay “ý chí”

Xúc cảm và lý trí là hai lĩnh vực luôn giằng xé nhau. Cuối cùng thì chúng ta sẽ có một thứ ý chí tổng thể, ý chí này phải tìm cách đứng chân như thế nào trên cùng cả hai miền đất đang luôn luôn trôi dịch này. Và cách thức mà ý chí tổng thể xử lý mối tương quan giữa xúc cảm và trí tuệ sẽ làm nên câu chuyện đạo hạnh. 

Trước các nỗi khổ đau của con người, cá nhân và cộng đồng, ý chí không thể chỉ dừng ở phân tích các nỗi khổ đau ấy, mà phải “chịu trách nhiệm” về chúng, mà kẻ đứng ra đòi hỏi điều đó chính là “đạo hạnh”. Sự thờ ơ có thể là sự lạc đường, sự mất phương hướng, sự dỗi dàng lâm thời của ý chí, nhưng không phải là người bạn đường dài của ý chí. Nhiều thành phần của đạo hạnh có thể sẽ và phải được cộng đồng tham chiếu, chuyển dần thành “pháp quyền”, qua một quá trình xây dựng lâu dài, bền bỉ, cập nhật, rà soát đi rà soát lại, thành tính bắt buộc (“pháp”), nhưng vì sự tự do và ích lợi của mỗi người và của cộng đồng trên tổng thể (“quyền”). Ví dụ như “trong giao thông mỗi ai thấy người gặp nạn một mình, thì phải tham gia cứu trợ” vốn từ một yêu cầu đạo hạnh đã trở thành một điều luật giao thông ở nhiều nước. 

Nhưng dù vấn víu phức tạp đến như thế nào, ý chí chỉ là ý chí trọn vẹn một khi nó được nảy nở trên nền của tự do. Tự do, là tự do lựa chọn: ngay cả khi trước mặt tự do chỉ có một thứ để lựa chọn, nó cũng bảo dưỡng quyền chấp nhận điều đó, hay khước từ điều đó. Tuy nhiên ý chí tự do phải lo trả món nợ với pháp quyền, mang tính bắt buộc, cùng đức hạnh, mang tính khuyến nghị.

Ý chí cộng đồng

Ý chí cộng đồng hình thành từ các ý chí xúc cảm, trí tuệ, tự do, đạo hạnh (bao gồm pháp quyền) của công dân, từ “ý chí công dân”, chứ không phải từ “lòng dạ thần dân”. Ý chí cộng đồng phải thể hiện được lợi ích của cộng đồng và những thành viên của nó. 

Ông Rousseau thật vô cùng xuất chúng, khi làm sáng tỏ ra được rằng lợi ích của cộng đồng không phải là lợi ích của số đông trong cộng đồng. Đúng thế. Bởi nếu lợi ích của nhóm đa số quyết định lợi ích của cộng đồng, thì nhóm đa số có cùng lợi ích sẽ độc tài chuyên chế trên các nhóm khác, hay trên các cá thể khác. Chưa hết. Và các công cuộc liên kết các nhóm để có nhóm đa số tạm thời nhằm trấn áp thiểu số còn lại trong mọi lĩnh vực xã hội sẽ làm nên những cuộc bạo động nhốn nháo không ngừng không nghỉ trong xã hội. Và tất nhiên, lợi ích của cộng đồng càng không phải là lợi ích của số ít trong cộng đồng.

Ông Rousseau thật vô cùng xuất chúng, khi làm sáng tỏ ra được rằng lợi ích của cộng đồng không phải là lợi ích của số đông trong cộng đồng.

Lợi ích của cộng đồng là tổng thể của những lợi ích khác nhau, những lợi ích xung khắc nhau, của các cá nhân, của các nhóm cộng đồng. Và chính do đó mà phải xây dựng kĩ lưỡng từ đó lên được một hợp đồng xã hội thỏa đáng, một cách năng động và linh hoạt theo thời gian, để một cộng đồng có thể sống ổn thỏa và hạnh phúc với nhau dài lâu.

Ý chí cộng đồng ấy thông qua nền thương nghị cộng đồng được hóa thân dần vào nền pháp quyền, mang tính bắt buộc, cùng nền đức hạnh mang tính khuyến nghị.

Ví dụ giản dị, mỗi nhóm người dân tộc trên đất nước Việt đều phải thể hiện được lợi ích của mình về mọi mặt, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, trong hợp đồng xã hội, dẫu rằng người Kinh (Việt) là nhóm người đa số.

Ý chí cộng đồng hình thành từ các ý chí xúc cảm, trí tuệ, tự do, đạo hạnh (bao gồm pháp quyền) của công dân, từ “ý chí công dân”, chứ không phải từ “lòng dạ thần dân”. Ý chí cộng đồng phải thể hiện được lợi ích của cộng đồng và những thành viên của nó.

Ví dụ giản dị, mỗi con người trên đất nước Việt đều phải thể hiện được lợi ích của mình về mọi mặt, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, trong hợp đồng xã hội, dẫu như “những người khác là đa số”. Trừu tượng ư ? Không. Chẳng hạn những người bẩm sinh đồng tính phải được tôn trọng và lợi ích của họ phải được tính đến trong hợp đồng xã hội. Cũng như vậy với những người thuận tay trái, những người tàn tật, những người suy nghĩ không giống số đông, vân vân.

 Ví dụ giản dị, nếu tất cả các nghị sĩ đều ủng hộ một điều luật, trừ một vị nghị sĩ. Ý kiến của vị nghị sĩ “lạc lõng” đó phải được tôn trọng, phải được lưu bút. Và bản thân con người nghị sĩ đó, phải được tôn trọng.

---

Và một ví dụ giản dị sau cùng.

Rằng nếu có một ai đó mong mỏi Tết này được đốt một bánh pháo vào Giao Thừa, thì ý kiến của họ cần được xã hội ghi nhận, không mặc cảm. Để rồi một ngày kia, biết đâu ý chí của xã hội sẽ tìm ra được một giải pháp thỏa mãn được mong mỏi này? 

Có thể bắt đầu phác thảo ý chí đó bằng việc hướng đến xây dựng được một nền giáo dục, trong nhà, ngoài phố, và ở trường học, trong đó mỗi con người không còn chí chết chạy đuổi theo “chủ nghĩa lạm dụng”, để tự mình khỏi trở thành “những người hùng của chủ nghĩa lạm dụng”, để rồi họ lớn lên vui vẻ tự do, và sẽ chỉ tự do lập chí đốt cho mình đúng một bánh pháo vào thời khắc Giao Thừa?

Theo Tia Sáng

Đọc & Chia sẻ
Davibooks

* Nếu Quý vị muốn chia sẻ những gì đã đọc. Xin vui lòng gởi bài qua email lienhe@davibooks.vn, dòng subject ghi rõ: Doc & Chia se. Davibooks sẽ chọn đăng để chia sẻ cùng mọi người.

14112
Lượt xem: 578
 

Tin cùng chuyên mục: "Đọc & Chia sẻ"