Tìm kiếm tin tức

NHẬN XÉT & PHÁN XÉT

Thứ ba, 21:11, 29/03/2022

Hãy thử tưởng tượng mối quan hệ giữa hai đối tượng là A và B. Mối quan hệ giữa A và B là mối quan hệ giữa hai con người cá thể, hoặc là đám đông với đám đông, hoặc là cá thể với đám đông, hoặc là đám đông với cá thể. Còn trường hợp nào khác nữa không?.. Nếu còn thì tự bạn thêm vào nhé.

Hãy thử tưởng tượng tiếp:... Có khi nào A không cần quan hệ với B mà vẫn tồn tại được không? Tôi e rằng không, chỉ trừ một số trường hợp là vừa sinh ra đã chết, hoặc bị bỏ vào rừng sâu ngay từ khi mới chào đời, hoặc bị cách ly khỏi cộng đồng người trong một vài trường hợp tương tự. Trong trường hợp của bạn, bạn có thể cách ly bạn khỏi  hội hoặc với cá nhân khác được không?... Bạn tự trả lời nhé.

Hãy đi tiếp... Quan hệ giữa A và B có thể là những quan hệ nào? Đó là quan hệ kinh tế nếu nó liên quan đến vật chất, là quan hệ chính trị nếu nó liên quan đến quyền và trách nhiệm, là quan hệ tình cảm nếu nó xuất phát từ tình cảm, là quan hệ tôn giáo nếu nó xuất phát từ niềm tin.... và còn cả thứ quan hệ cộng đồng, nếu nó có chung lợi ích... Nếu còn nữa thì bạn cứ điền vào dấu... dùm tôi nhé.

Hãy đặt khái niệm "quan hệ" trong mối tương tác hai chiều: A tác động đến B và B tác động đến A. Theo khoa học vật lý, mỗi một sự tác động đều tạo ra một lực nhất định, và do vậy hẳn chúng đem đến những thay đổi và những phản ứng khác nhau lên đối tượng bị tác động. Các hình thức tác động có thể có là: nghĩ về người khác, nói về người khác, và đánh vào người khác. 

Vậy khái niệm phán xét được sử dụng trong trường hợp nào? Đó là A "nói về" B. Khái niệm phán xét còn được dùng bằng những khái niệm tương đương: đánh giá, nhận định, thẩm tra, suy xét... Mỗi khái niệm được sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau, nhưng đều chỉ chung một dạng tác động: nói về.

Ngữ cảnh của khái niệm "phán xét" được sử dụng trong trường hợp nào? Từ "phán" là một động từ, chỉ một nhận định chắc chắn và tuyệt đối, bất kể sự phản ứng của đối tượng bị phán xét. "Phán xét" tương đương với "Nhận xét" nhưng sự khác biệt của nó là: nhận xét là nhận thấy nên xét đoán, còn phán xét là phán bảo. Mối quan hệ giữa A và B trong "nhận xét" có thể là cao hơn, thấp hơn và bằng nhau; trong khi đó mối quan hệ giữa A và B trong "phán xét" bao giờ cũng là mối quan hệ giữa kẻ cao dành cho người thấp, bởi nó khước từ khả năng phản cung của kẻ thấp hơn.

Trong cuộc sống, bạn - với tư cách vừa là A vừa là B - luôn nằm trong mối quan hệ đa dạng và nhiều chiều: khi thì với tư cách cá nhân, khi thì với tư cách cộng đồng... Bạn nghĩ về người khác, nói về người khác và đôi khi đánh cả người khác... đồng thời bạn cũng được người khác nghĩ về, nói về, và có khi đánh cả bạn. Bạn có thể thoát ra khỏi mối quan hệ này không? Tôi e là không.

Khi chúng ta nằm trong mối quan hệ như vậy, sự tác động lẫn nhau hiển nhiên không thể tránh khỏi như vậy. thế thì việc chúng ta nhận xét về ai đó, về cá nhân nào đó, về cộng đồng nào đó, về đám đông nào đó... là chuyện quá ư bình thường. Nhận xét của bạn đúng hay sai, chân thật hay bịa đặt, có ý tốt hay xấu, vì mục đích xây dựng hay phá hoại... phụ thuộc hoàn toàn vào trình độ văn hoá, năng lực tri thức cũng như mặt bằng đạo đức của bạn.

Theo một chiều ngược lại, khi bạn nằm trong mối quan hệ mà sự tác động qua lại là hiển nhiên, thì việc người khác, đám đông hay cộng đồng... nhận xét về bạn cũng là chuyện quá ư bình thường. Bạn có thể đúng hoặc sai trong những nhận xét về người khác thì chuyện người khác nhận xét về bạn hoặc sai hoặc đúng, hoặc chân thật hoặc bịa đặt, hoặc dụng ý tốt hay xấu, hoặc muốn xây dựng hoặc muốn phá hoại... cũng là chuyện quá ư bình thường. Nhưng đón nhận và phản ứng trước những nhận xét như vậy lại cũng phụ thuộc vào phông văn hoá, tri thức và đạo đức của bạn.

Đấy là "nhận xét" - một quan hệ tương đối bình đẳng, chẳng có gì đáng để ngạc nhiên cả. Nhưng "phán xét" lại là một vấn đề khác - mối quan hệ này không còn là mối quan hệ bình đẳng nữa, chúng trở thành một quan hệ giữa cao và thấp, bác bỏ luôn khả năng biện bạch của đối tượng bị phán xét.

Khi bạn phán xét một ai đó - là tốt hay là xấu, là đúng hay là sai - nghĩa là bạn tự đặt mình ở một cương vị cao hơn người bị phán xét, nếu như không muốn nói bạn tự nhận mình là Chúa trời. Trong nhận xét, chí ít bạn còn thừa nhận yếu tố chủ quan: "tôi nhận thấy là bạn...". Nhưng trong phán xét, bạn không cần đến việc bạn có nhìn thấy, suy xét thấy hay không nữa, bây giờ nó hoàn toàn chỉ còn là: "Tao phán mi là người tốt, Tau cho mi là tên đểu...".

Tốt hay xấu, đúng hay sai... có tính lịch sử. Nó đúng ở lúc này nhưng không đúng ở lúc khác, nó tốt giai đoạn này nhưng lại là xấu ở thời điểm khác. Điều đó cho thấy những gì được nhận xét cũng có tính lịch sử, bị giới hạn trong một bối cảnh nhất định.

Nhận xét và Phán xét đều có những hình thức tương tự, nhưng trong "Nhận xét" thừa nhận yếu tố lịch sử của điều được kết luận, nghĩa là trong nội hàm của nhận xét chấp nhận yếu tố có thể sai. Còn trong "phán xét", bạn khước từ yếu tố lịch sử này, nghĩa là bạn cho nó luôn đúng ở mọi thời gian, vì thế bạn khước từ luôn khả năng phản cung của đối tượng.

Nhìn dưới lăng kính của đạo đức học, tôi cho việc nhận xét là chuyện bình thường trong quan hệ giữa người với người, nhưng trong phán xét lại là mối quan hệ bất bình thường. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn tự cho mình cao hơn người khác - một dạng thức kiêu ngạo tiềm ẩn. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn khước từ tính lịch sử trong nội dung phán xét - một dạng thức của ngu si dốt bền khó đào tạo. Bạn phán xét một ai đó, nghĩa là bạn khước từ khả năng phản cung của người bị phán xét - nghĩa là bạn chấp nhận nếu chưa là bạn ta, hẳn kẻ đó là kẻ thù của ta - một cuộc chơi mà không là bạn tất là thù....

 

Bạn cứ phán xét nếu bạn chấp nhận chuyện đó là bình thường

Thế thì khi bạn bị người khác phán xét, tôi mong bạn cũng coi chuyện đó là bình thường.

 

Riêng tôi, những lời phán xét đơn giản là tiếng vo ve nhặng xị của đám ruồi bu.

Nhưng trước một lời nhận xét, nhất định tôi sẽ lắng nghe một cách chân thành.

Suynghiem

Davibooks lược trích

Đọc & Chia sẻ

* Nếu Quý vị muốn chia sẻ những gì đã đọc. Xin vui lòng gởi bài qua email lienhe@davibooks.vn, dòng subject ghi rõ: Doc & Chia se. Davibooks sẽ chọn đăng để chia sẻ cùng mọi người.

Lượt xem: 222
 

Tin cùng chuyên mục: "Đọc & Chia sẻ"