Tìm kiếm tin tức

Con chim dại lạc miền hoang lương (*)

Thứ bảy, 20:35, 26/03/2022
Truyện ngắn “Khi chiều tới gió reo trên lá rừng phong” của Phạm Công Thiện viết ở Los Angeles tháng 9/1985 đã cắt ngang cuốn tiểu thuyết_hồi ký “Hội hè miên man” của Hemingway ở ngay chương đầu tiên “Một quán rất được trên quảng trường St. Michel”. Giao điểm đó như thế này:
 
Người lữ khách lỡ đường
 
Quán rượu không người trong thành phố, cái thành phố im lặng đìu hiu chỉ có tiếng mưa gió và những căn nhà đóng cửa.
 
Thiếu nữ ngồi một mình trong quán rượu
 
Buổi chiều thu tàn với mưa gió lạnh lẽo thổi bên ngoài
 
Tương tranh nhẹ giữa câu chuyện trong đầu và khung cảnh bên ngoài
 
Người lữ khách ngồi ở cuối quán rượu, nơi góc phòng với chai rượu (Whiskey, rum St. James), lấy bút ra và viết lên giấy trắng những dòng chữ miên man. Câu chữ tuôn ra trên trang giấy, đôi khi câu chuyện trong đầu ông chạy quá nhanh và người lữ khách chật vật chạy đuổi theo cố bắt chúng lại, cố định chúng lại trên trang giấy. Thỉnh thoảng ông dừng lại, ngẩng đầu lên nhìn thiếu nữ; thiếu nữ khẽ đưa mái tóc sang bên, đôi khi nàng khẽ ho vài tiếng, tiếng ho trong trẻo; rồi nàng lại cúi xuống đọc sách, bên ngoài ngọn gió cuối thu vẫn thổi mạnh như đong cho đầy thêm nỗi buồn và lạnh giá, phủ âm u và ướt át khắp nơi trong thành phố. Người lữ khách nhìn xuống trang giấy, tiếp tục viết và rồi ông thấy cô gái hiện ra trên trang giấy với mái tóc; ông không nhớ mình đã mời nàng vào câu chuyện từ lúc nào hay là nàng đã chủ động bước vào câu chuyện của ông, tự nhiên như khi ngẩng đầu lên hất mái tóc ra sau, như cúi đầu lên trang sách, thi thoảng lơ đãng nhìn ra khung cửa nghe gió lạnh thổi rít bên ngoài.
 
Và cái quan trọng nhất: tư thế của người viết đối với sứ mệnh văn chương và cũng là người lữ khách trước cuộc đời mưa gió, những tương tranh không thể không có như gia vị của một bữa tiệc. Khi ngồi trước trang giấy cũng chính là ngồi đối diện với cuộc đời, với chính mình và thực hiện cuộc lên đường tìm kiếm tự do và hạnh phúc hay là cuộc chiến vô hình với bóng tối của ý thức qua ngòi bút; cuộc tầm cầu, trưởng dưỡng ý thức hệ, những khám phá về ngã_nhân, sự sống và cái chết, sự nô lệ của con người, sự gục ngã, thất bại của tha nhân trước chân lý.
 
Trong “hội hè miên man” (A moveable feast) Hemingway đã nói là điều cần thiết nhất của ông khi viết là phải viết cho ra sự thật bởi dẫu sao thì chúng ta vẫn luôn bị ngăn cách với sự thật của mình. Cả Hemingway và Phạm Công Thiện đã tạo ra những bữa tiệc văn chương, chữ nghĩa bằng dấu ấn riêng biệt của mình và thu hút người đọc nhiều thế hệ cho đến tận sau khi họ đã qua đời. Hemingway tìm cầu sự thật, còn Phạm Công Thiện vứt bỏ mọi giá trị ngay từ đầu theo phong cách đập phá thiên bẩm của mình. Tư thế cầm bút của Phạm Công Thiện là hủy phá mọi rào cản trên đường đi của ngôn ngữ, của tư tưởng để truy nguyên thể tánh, để sống trần trụi với nỗi khát vọng tự do của một con người nhận ra sự nô lệ ý thức của mình trước văn hóa-văn minh nhân loại. Nhận ra sự nô lệ đó chính là nhìn thấy sự thật. Nhìn thấy sự thật, con người kẻ sĩ lập tức nổi giận vì thấy mình bị tước đoạt cái quyền sống thiêng liêng; lập tức rút kiếm ra bước vào trận chiến quét sạch bóng tối của ý thức dưới danh nghĩa văn hóa, truyền thống, phong tục, quy chuẩn đạo đức,…:
 
“dừng chén, ném đũa, nuốt không trôi
 
Rút kiếm, nhìn quanh lòng mênh mang
 
Muốn vượt hoàng hà, sông băng đóng……”
 
Đó chính là Lý Bạch với bầu rượu và thanh gươm trên tay. Lưỡi gươm sắc xoay tít trong tay nhưng tuyệt nhiên không nhắm vào bất cứ ai, bất cứ người nào mà cuộc vung gươm của con người kẻ sĩ chỉ chặt chém vào hư không trong nỗ lực phá vòng vây kiên cố của thành kiến nội tại bên trong, chặt đứt thói quen làm nô lệ của ý thức, lên đường đến với tự do. Đó cũng chính là cuộc chiến của Nietzsche trong “Buổi hoàng hôn của những thần tượng” với vũ khí là cái búa, là lưỡi tầm sét đập đổ những thành trì của sự dối trá, phỉnh gạt trong ý thức của con người, xô ngã “ tất cả những chân lý cắm rễ sâu xa nhất trong lòng đời và dám đốn ngã những thần tượng được tôn kính của truyền thống, và thừa can đảm để gây nên những âm thanh trống rỗng của buổi chiều tà”. Nietzsche nói “Hoặc chúng ta phá hủy sự sùng bái của chúng ta hoặc chúng ta phá hủy chính chúng ta”.
 
Còn tác phẩm của Phạm Công Thiện là tiếng sấm rền, là tiếng thét của con người tuổi trẻ trước thời cuộc mà sức sống bị bóp nghẹt vì những làn đạn cày xéo thê thảm trên quê hương. Không còn lý tưởng, thân phận con người bị quăng ném ra giữa đêm đen của con đường mất lối, con người không biết mình sống vì cái gì, mình phải đi đâu, làm gì và dưới chân mình là nguyên một vũng lầy. Lúc ấy người ta đọc Phạm Công Thiện, vồ chụp lấy những tác phẩm của ông vì nhận ra đó chính là tiếng kêu la, gào thét bị dồn nén bên trong của chính mình. Cơn cuồng nộ, bí lối bên trong được phóng thích qua tiếng gào thét đó. Với tác phẩm “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học”, An Tiêm xuất bản năm 1965 (Phạm Công Thiện khởi sự viết tác phẩm này năm 1959, lúc 18 tuổi ), Phạm Công Thiện đã làm chấn động toàn bộ con người tuổi trẻ miền Nam, mở đầu cho một thời đại của những tiếng gào thét và những cơn địa chấn liên miên trong tâm thức con người tuổi trẻ Việt Nam:
 
- Trời tháng Tư (An Tiêm, 1966)
 
- Im lặng hố thẳm (An Tiêm, 1967 và 1969; Phạm Hoàng, 1969)
 
- Hố thẳm của tư tưởng (An Tiêm, 1967)
 
- Mặt trời không bao giờ có thực (An Tiêm, 1967)
 
- Chỉ còn tiếng thơ trên mặt đất — Trở về Rainer Maria Rilke (1969)
 
- Henry Miller (Phạm Hoàng, 1969)
 
- Ý thức bùng vỡ (Đồng Nai, 1970)
 
- Bay đi những cơn mưa phùn (Phạm Hoàng, 1970)…….
 
Đó là thời mà…. nói như họa sỹ Trịnh Cung, bạn của Trịnh Công Sơn, đã nói khi hay tin Phạm Công Thiện mất “…. như thời tôi và Thiện gặp nhau ở Sài Gòn những năm 60-70. Đó là những năm đẹp nhất đã sinh ra những kẻ bất thường, những kẻ độc đáo duy nhất trong nền văn nghệ Sài Gòn, không có trước và sau: Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn. Thời làm ra tiếng thét của Thiện khi mặt trời đỏ đổ máu xuống Sài Gòn: “Máu, máu, kìa!”, Thiện vừa gào vừa chỉ tay về phía mặt trời đỏ khi hai đứa tôi đang thả bộ trên đường Tự Do. Tôi nghĩ thầm, chắc Thiện nhớ đến hình ảnh hoàng hôn đẫm máu (bloody twilight) trong “Dry September” của William Faulkner”.
 
Điều lớn lao nhất mà Phạm Công Thiện đã làm được ở vị trí của mình là đưa người đọc tiếp cận những tinh hoa và cao đỉnh tư tưởng nhân loại trong thời của mình. Sau đó thực hiện một cuộc đảo chính ý thức hệ, phủ nhận tất cả mọi giá trị, đạp đổ và rũ bỏ toàn bộ triết thuyết đông tây kim cổ như những thứ đeo bám nặng nề, đứng thẳng lưng và một mình đơn độc bước tới đối diện cuộc đời với tư thế của một kẻ tự do, một kẻ kiên quyết rũ bỏ, một kẻ triệt để lãng quên. Bởi lẽ tất cả mọi triết thuyết đều cằn cỗi trước đời sống, mọi tiếng nói đều vô nghĩa và rơi rụng trước niềm im lặng. Mọi thần thánh đều có ngày tàn của mình, mọi thành trì đều có ngày sụp đổ; phủ nhận là bước đi phải có của trật tự phát triển.
 
Sứ mệnh thiêng liêng của con người là kiến tạo nên chính mình để thoát khỏi kiếp sống lê lết trên mặt đất hoang vu của một sinh linh nhỏ bé bởi ngộ nhận về cái tôi và tha nhân, sự tôn thờ những giá trị bên ngoài, là sự bám rễ sâu của thành kiến, của bóng tối ý thức đè nặng lên sinh mạng thiêng liêng của con người. Phạm Công Thiện là than đỏ trong lò. Tuổi trẻ đọc Phạm Công Thiện mà không cảm thấy sức nóng tỏa ra trên những trang viết, không cảm nhận một luồng sinh khí nhoi nhoi trong huyết quản thôi thúc một cuộc lên đường thì có 2 trường hợp. Một, tuổi trẻ đó đã chết. Hai, tuổi trẻ đó tự nội tại đã phủ nhận Phạm Công Thiện và phủ nhận luôn chính mình vì không có gì để công nhận. Không có ngã và không có nhân. Và ngay tại đây Phạm Công Thiện đã thất bại, sự thất bại tiếp sau sự thất bại của tất cả ý thức hệ và tất cả đạo lý; sự thất bại của Heidegger, Hegel, Scopenhauer, Husserl, Cơ cấu luận, Xã hội học, Sartre,…. Mà Phạm Công Thiện liệt kê thành tựa của 9 chương sách trong “Ý thức bùng vỡ”.
 
Sau cơn đập phá tất cả mọi thành trì ý thức hệ của tất cả mọi triết thuyết, tư tưởng đông tây kim cổ… Phạm Công Thiện không biết phải kiến tạo cái gì, không vẽ nổi một con đường để cho ý thức mình thoát khỏi “sự mất lối”, không có một quê hương để trở về và con chim kia vẫn sẽ phải bay mãi trong miền hoang lương.
 
10/2017_ Uyển Lan
(*) Thơ Phạm Công Thiện
*
* * *
 
* Nếu Quý vị muốn chia sẻ những gì đã đọc. Xin vui lòng gởi bài qua email lienhe@davibooks.vn, dòng subject ghi rõ: Doc & Chia se. Davibooks sẽ chọn đăng để chia sẻ cùng mọi người.
Lượt xem: 220
 

Tin cùng chuyên mục: "Đọc & Chia sẻ"