Tìm kiếm tin tức

Sự chú tâm

Thứ ba, 2:30, 20/08/2013

Ellen Langer, một nhà tâm lý học ở đại học Harvard, đã xây dựng lý thuyết “sự chú tâm” dựa trên các nghiên cứu về hành vi con người. Hành vi chú tâm là hành vi tỉnh táo, nhưng còn hơn thế nữa. Đó là cách trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn. Không cố gắng xác định một loạt các thái độ cụ thể tạo nên tư duy hiệu quả như Costa, Tishman và Perkins, Langer sử dụng thuật ngữ “sự chú tâm” để mô tả một vài hành vi  giúp con người có thể đưa ra các quyết định sáng suốt.

Theo Langer, hành vi chú tâm bao gồm năm cách tương tác với thế giới khác nhau:

Tạo ra các phạm trù mới và điều chỉnh những phạm trù cũ

Điều chỉnh các hành vi vô thức

Nắm bắt các cách nhìn mới

Chú ý đến quá trình hơn là kết quả

Chấp nhận những gì không chắc chắn

Xét lại các phạm trù
Người suy nghĩ thiếu chú tâm thường dựa vào các phạm trù quen thuộc và không được kiểm chứng. Việc tạo ra các phạm trù mới và đặt lại tên cho các phạm trù cũ là biểu hiện của hành vi chú tâm. Việc xét lại các phạm trù liên quan đến con người và các công cụ mang đến cho chúng ta nhiều lựa chọn hơn trong việc tạo ra sản phẩm tốt.

Phân tích hành vi vô thức
Thường rất khó nhớ những hành vi cụ thể nào đã trở thành hành vi vô thức. Trong một số trường hợp, việc thực hiện công việc một cách thiếu chú tâm có thể kiềm hãm sự phát triển. Việc quan sát theo cách mới mẻ các mẫu hành vi vô thức  để thay đổi và cải thiện chúng có thể dẫn đến nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Bằng cách giúp học sinh chú ý tới các hành vi vô thức đã ngăn trở các em tiến bộ và thích nghi với các tình huống mới, giáo viên có thể giúp các em học cách chú tâm tốt hơn.

Đón nhận thông tin mới
Chúng ta thường hình thành quan điểm dựa trên những ấn tượng đầu tiên của mình và giữ chặt chúng ngay cả khi có những chứng cứ trái ngược xuất hiện. Langer gọi đây là “những ràng buộc nhận thức thiếu chín chắn”(trang 22). Người suy nghĩ chú tâm luôn sử dụng tất cả những công cụ sẵn có để mở rộng sự hiểu biết của mình. Thông tin mới có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, và người suy nghĩ chú tâm không giới hạn mình vào một cách nhìn  hay một cách giải quyết vấn đề nào đó.

Trong trường học, những học sinh thiếu chú tâm thường tách rời các môn học với nhau. Những em này chẳng bao giờ nghĩ rằng toán học lại có thể giúp chúng hiểu lịch sử, hay nghệ thuật có thể đóng một vai trò nào đó trong khoa học. Ngược lại, những học sinh có chú tâm thường chú ý những đặc điểm tương đồng giữa các sự vật và ý tưởng có vẻ rất khác nhau,và các em tạo nên các phạm trù mới nhờ những thông tin này.

Chú trọng đến quá trình hơn kết quả
Xã hội và trường học thường buộc con người phải suy nghĩ về cuộc sống thông qua thành quả mình đạt được. Cách định hướng theo quá trình “Ta thực hiện điều đó như thế nào?” thay vì  ”Ta có thể thực hiện điều đó không?”, hướng sự chú ý đến việc xác định các bước cần thiết trong một quá trình” (trang 34). Việc nắm bắt mỗi giai đoạn cho phép chúng ta tạo ra sự thay đổi và điều chỉnh nhằm đưa đến các kết quả tốt hơn.

Sự chú trọng này giúp cho học sinh “tấn công” các dự án lớn theo từng mảnh nhỏ theo đó các em suy nghĩ về bước tiếp theo phải thực hiện thay vì suy nghĩ về mọi việc cùng một lúc. Giáo viên có thể giúp học sinh tập trung vào quá trình bằng cách chỉ ra rằng kết quả nào cũng có được là do nhiều quá trình làm việc khác nhau và rằng một số quá trình hiệu quả hơn một số quá trình khác. Việc cung cấp cho học sinh công cụ để lập kế hoạch và thực hiện các quá trình có thể giúp các em tin tưởng vào giá trị của việc tập trung chú ý đến quá trình công việc được hoàn thành và không bỏ ra nhiều thời gian để suy nghĩ xem dự án sẽ như thế nào khi hoàn thành.

 

Chấp nhận điều không chắc chắn
Nhiều người tin rằng mọi chuyện đều có thể đoán trước. Họ thích tin rằng rằng B theo sau A và nó luôn luôn như thế. Họ thích lập kế hoạch cho những việc sẽ xảy ra chính xác theo những cách vốn có thông thường. Tuy nhiên, những người tỉnh táo đều biết rằng thế giới thường rất khó hiểu, không thể dự đoán và rất phức tạp.

Những học sinh có tâm lý thoải mái với điều không chắc chắn và mơ hồ thì sẽ có nhiều lợi thế  khi cần tư duy rõ ràng. Các em ít khi đi đến kết luận một cách vội vã cốt chỉ để mọi cái được ổn thỏa, và các em sẽ không dễ bị thuyết phục bởi những câu trả lời đơn giản cho các vấn đề phức tạp.

Khả năng chấp nhận những gì không chắc chắn có thể một phần do tính cách bẩm sinh, nhưng khả năng này cũng có thể được nuôi dưỡng. Nhiều trẻ cảm thấy không thoải mái khi không được hướng dẫn cụ thể, và giáo viên thường có khuynh hướng chỉ dẫn cặn kẽ cho học sinh thay vì để cho các em tự xoay sở đưa ra quyết định của riêng mình. Giáo viên cho phép học sinh giải quyết các vấn đề không rõ ràng là nhằm giúp các em có khả năng giải quyết vấn đề một cách thành thạo. Vì thế, cách tốt nhất để hỗ trợ học sinh trong việc học lúc này là cung cấp cho các em các chiến lược chung, như các chiến lược tư duy, để học sinh có thể áp dụng sau đó đối với vấn đề cụ thể mà các em đang thực hiện và cho những vấn đề khác tương tự sau này.

Tuy nhiên, giáo viên phải nhớ rằng có một sự khác biệt giữa việc cho phép học sinh tự lực tìm ra câu trả lời của riêng mình và việc yêu cầu các em  đoán ra một câu trả lời mà không cung cấp cho các em những thông tin cần thiết. Nếu giáo viên biết một cách chính xác những gì mình muốn học sinh học hoặc trải nghiệm thì việc yêu cầu các em tự lực tìm ra câu trả lời mà không đưa ra sự hướng dẫn có thể mang lại hiệu quả trái ngược so với những trường hợp mơ hồ thật sự. Điều này khiến học sinh nghi ngờ rằng giáo viên không hướng dẫn cụ thể cho các em là vì muốn làm cho các em thất bại.

Khái niệm về sự sáng suốt có thể rất hữu ích trong lớp học. Trong lúc các khung tư duy khác như là Thói quen tư duy của Costa và Khuynh hướng Tư duy của Tishman và Perkins chia nhỏ thái độ về tư duy thành các chủ đề cụ thể nhằm làm cho việc giảng dạy và đánh giá được dễ dàng hơn, thì một thuật ngữ khái quát như sự sáng suốt có thể là một cách hiệu quả để thu hút sự chú ý của học sinh vào cách thức mà các em thực hiện các nhiệm vụ. “ Nhớ là hãy hết sức chú ý khi lập kế hoạch cho thí nghiệm của mình” hoặc “ Đừng quên suy nghĩ chín chắn khi thảo luận dự án” có thể là một cách nhắc nhở đơn giản đối với việc sử dụng những thói quen tư duy giúp cho việc phát triển tư duy hiệu quả.

Tham khảo
Langer, E. J. (1989). Sự chú tâm. New York: Merloyd Lawrence.

Đọc & Chia sẻ
Davibooks

* Nếu Quý vị muốn chia sẻ những gì đã đọc. Xin vui lòng gởi bài qua email lienhe@davibooks.vn, dòng subject ghi rõ: Doc & Chia se. Davibooks sẽ chọn đăng để chia sẻ cùng mọi người.

14112
Lượt xem: 763
 

Tin cùng chuyên mục: "Đọc & Chia sẻ"