Tìm kiếm tin tức

Giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh 2011 - Nguyên do của niềm vinh dự

Thứ ba, 2:30, 20/08/2013

SGTT.VN - Giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh 2011 được quyết định trao tặng sáu cá nhân với bốn giải thưởng trên các lĩnh vực văn hoá – giáo dục, dịch thuật, Việt Nam học và nghiên cứu.

Ngoài giải Dịch thuật thuộc về ông Nguyễn Văn Khoa như SGTT ngày 19.3 đã giới thiệu, giải Vì sự nghiệp văn hóa – giáo dục được trao cho ông Nguyễn Sự, bí thư TP Hội An; giải Nghiên cứu được trao cho GS.TS Trần Văn Khê và PGS Nguyễn Thạch Giang. Giải Việt Nam học được trao cho hai nhà Việt Nam học nước ngoài gồm ông Alain Ruscio (Pháp), và P. V. Pozner (Nga). Lễ trao giải sẽ diễn ra lúc 9 giờ ngày 24.3 tại Hà Nội, đúng ngày giỗ cụ Phan Châu Trinh. Ba chủ nhân của giải thưởng đã bày tỏ nguyên do đưa họ đến với vinh dự này.

Dịch giả Nguyễn Văn Khoa

Học lại từ cái nôi văn hoá nhân loại

Tại sao tôi lại chọn Cổ Hy Lạp, tại sao lại chọn Socrates?

Thứ nhất: hãy đoạn tuyệt với thứ văn hoá độc canh hay đơn sắc; hãy đoạn tuyệt với loại “tư duy duy nhất”. Có những nền văn minh tự xem mình là cái rốn của vũ trụ; chúng ta đều biết chúng đã có số phận nào.

Thứ hai: hãy đoạn tuyệt với những cổ võ “về nguồn”, cho tâm thức luôn luôn lo sợ “mất bản sắc”, cho những mộng mị khư khư “bảo tồn văn hoá dân tộc”. Việt Nam ta không có hãnh diện được là một chiếc nôi của văn minh nhân loại. Ta không có chiếc nôi hoành tráng nào để trở về cả. Có nhiều nét văn hoá ta cứ ôm cứng vì ngỡ là của mình, xem kỹ lại hoá ra là bị áp đặt bởi kẻ khác. Hãy “chấn dân khí”. Đất Pháp cũng không phải là một chiếc nôi của văn minh nhân loại: người Pháp viết bằng chữ cái Latinh, tính toán bằng số Arập. Điều đó không ngăn cản họ cống hiến cho nhân loại bao giá trị văn hoá lớn lao sau này.

Thứ ba: đừng để bị cầm tù bởi ý niệm “bản sắc văn hoá”. Nhà văn Nguyên Ngọc nhận định: “Bản sắc không đứng yên, một lần là xong, một lần cho mãi mãi, mà biến đổi, cập nhật”. Paul Ricoeur xem “bản sắc văn hoá” là một biến số lịch sử; ông đặt tên nó là “bản sắc trần thuật (tự sự)” rồi đặt nó đối lập trực diện với cái ý tưởng có một bản sắc bất biến...

Thứ tư: đất nước ta may mắn có hàng ngàn cây số bờ biển, nhưng chúng ta chỉ mới nói đến kinh tế biển gần đây thôi. Hãy nhìn xa hơn những vấn đề kinh tế dù thiết yếu, mà nghĩ thêm về văn hoá biển – văn hoá ra khơi. Đã nghĩ tới chuyện hậu dân sinh, hãy hạ quyết tâm khai dân trí. Chúng ta đã “giải phóng đôi vai và đôi tay”; hãy tự giải phóng nốt cái đầu, hãy “tự lực khai hoá” tiếp. Tự nhiên, mỗi công trình phiên dịch sẽ là một chiếc thuyền vượt trùng dương, để chở về bao giá trị lạ lẫm nhưng hay đẹp, hữu ích.

Thứ năm: tôi tin rằng chúng ta cần học hỏi rất nhiều từ phương Tây. Thử nhìn quanh ta mà xem. Internet, điện thoại di động, thiết bị thu hình – phát sóng, ôtô, máy bay, xe lửa cao tốc, thuyền đại dương, tàu không gian v.v.. Bao nhiêu thứ mỗi ngày vây quanh ta, là bấy nhiêu sản phẩm kinh tế gốc gác từ đây. Nhưng sức mạnh kinh tế của phương Tây chỉ là phần nổi của tảng băng, cái làm cho sức mạnh kinh tế ấy nổi cao như núi, nghĩa là cái phần chìm của băng sơn này, chính là những giá trị văn hoá – trong đó có tư duy lý tính, có tinh thần phê phán, có tư tưởng tự do, có tư tưởng dân trị.

Và Cổ Hy Lạp chính là chiếc nôi của nền văn hoá ấy. Và Socrates chính là triết gia đầu tiên của dòng triết học muốn áp dụng lý tính vào mọi vấn đề con người, là nạn nhân đầu tiên của cuộc xung đột: triết học chống tôn giáo, phê phán chống bảo thủ, chuyển biến chống bất động... trong thời Cổ Hy Lạp ấy.

GS.TS Trần Văn Khê

Khơi dậy ý thức công dân từ thơ bé

Tôi rất ngạc nhiên và vô cùng hãnh diện khi được thông báo tôi đã vinh hạnh ở trong số những người được trao tặng giải thưởng Nghiên cứu của quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh năm 2011.

Nói là ngạc nhiên và hãnh diện vì tôi không cần phải làm bất cứ hồ sơ, đơn từ nào để được xét trao giải. Các công trình nghiên cứu của tôi trong nhiều năm qua ở Pháp cũng như ở Việt Nam đã được các vị có trách nhiệm ở quỹ tự đề xuất, sưu tầm, xem xét cẩn trọng và có quyết định về giải trước khi trao đổi với tôi để đi đến công bố.

Tôi cũng rất hãnh diện vì giữa cá nhân tôi và nhà yêu nước — nhà văn hoá lớn Phan Châu Trinh đã có một mối dây liên hệ khá đặc biệt, mặc dù tôi chưa từng có vinh hạnh được gặp cụ Phan lần nào. Chuyện là, người cô ruột của tôi là bà Trần Ngọc Diện nguyên là giáo viên dạy âm nhạc (đàn tranh) và thêu thùa của trường nữ Áo Tím ở Sài Gòn, do đã cùng các đồng sự tham gia đám tang Phan Châu Trinh nên bị nhà trường bãi dụng. Sự kiện ấy đã gây chấn động và gieo vào tâm hồn thơ trẻ của tôi, tuy còn mơ hồ, ý thức trách nhiệm mà mỗi công dân cần có đối với quốc gia của mình. Chính từ ý thức mơ hồ từ thời thơ bé ấy mà khi ở tuổi trưởng thành tôi đã tự nguyện gần gũi với những người yêu nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp, được khích lệ và đã theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc suốt cả cuộc đời mình.

Bí thư Thành uỷ Hội An Nguyễn Sự

Nồi chè tiếp biến văn hoá

Cho phép tôi kể một câu chuyện nhỏ rất bình thường ở Hội An, có thể giúp ta suy nghĩ thêm hình như không chỉ về Hội An, mà cả về văn hoá, cũng không chỉ văn hoá Hội An, mà là văn hoá nói chung.

Một trong những món ăn được nhiều người ưa thích ở Hội An là món chè đậu ván của hai chị em nghèo, chỉ bán về đêm, khoảng từ chín, mười giờ, cho đến đúng khuya. Người chị gánh gánh chè nhẹ tênh từ trên đầu phố thong thả đi xuống, người em gánh cũng nhẹ tênh từ cuối phố thong thả đi lên, tới lúc gặp nhau thì chè vừa hết, và cánh cửa cuối cùng của những ngôi nhà cổ phố Hội cũng vừa khép lại. Chè đậu ván của hai bà đặc sắc ở chỗ nước thì trong veo không chút gợn mà ngọt thanh và dịu, còn các hạt đậu thì mịn bâng mà lại còn nguyên, không hề vỡ, thậm chí một vết rạn nứt nhỏ cũng không [...]

Bí quyết của món chè này, theo tôi được biết, là ở cách pha nước đường: hai bà dùng loại đường bát vốn quen thuộc ở các làng quê xứ Quảng, không biết quý vị đã biết thứ đường ấy chưa, nước mật trong chảo còn ở trạng thái thô nhất, chưa lọc chút tạp chất nào, đang sôi sùng sục, chín tới một độ nào đó thì được đổ ra những cái bát cũng thô như vậy, để cho nguội đi, đặc quánh lại, màu đen xỉn, hai bát đường úp vào nhau, quấn rơm và đem bán ở chợ, hoặc bán cả cặp, hoặc từng bát, cũng có khi chẻ ra từng góc bán cho các bà mẹ đi chợ mua quà về cho con. Loại đường quê mùa nhất, thô sơ nhất, nghèo hèn nhất, bình dân nhất, đứng ở bét bảng xếp hạng của họ nhà đường. Đường ấy pha với đường phèn, tức là nghịch lý tột cùng, đường phèn đứng đầu bảng chót vót, là kim cương của đường, là đường vua, quý phái, vương giả. Chính sự pha trộn bất ngờ, tài tình và mầu nhiệm, mà cũng giản dị ấy của hai bà bán chè đêm Hội An đã tạo nên bí quyết của chè đậu ván kỳ diệu là đặc sản lâu đời của thành phố chúng tôi.

Tất nhiên hai chị em bà bán chè vô danh những đêm khuya phố Hội không hề nói, thậm chí chắc cũng không hề biết đến từ “bí quyết”, càng không nghĩ về triết lý chè của hai bà. Bởi vì quả thật ở đây có một triết lý sâu xa, và cái triết lý ấy đã thấm đâu đó trong máu của hai bà, của mỗi con người Hội An. Tôi cho triết lý cơ bản, hay là bản lĩnh chủ yếu của Hội An là vậy, đã giúp thành phố chúng tôi trải bao trầm luân và thách thức, cả những thách thức gay gắt và hỗn hào hôm nay của kinh tế thị trường đang hoang dã, vẫn vừa đi được cùng thiên hạ, không đến mức ở những hàng sau, và vẫn bình tĩnh là mình trong biến đổi không ngừng.

Đó là bản lĩnh kết hợp được một cách hoàn toàn, nhẹ nhàng như không, những đối lập gay gắt nhất, cực đoan nhất, để làm ra cái kỳ diệu bình thường hay cái bình thường kỳ diệu...

Đọc & Chia sẻ
Davibooks

* Nếu Quý vị muốn chia sẻ những gì đã đọc. Xin vui lòng gởi bài qua email lienhe@davibooks.vn, dòng subject ghi rõ: Doc & Chia se. Davibooks sẽ chọn đăng để chia sẻ cùng mọi người.

14112
Lượt xem: 624
 

Tin cùng chuyên mục: "Đọc & Chia sẻ"