Tìm kiếm tin tức

Ức Trai: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...

Thứ ba, 2:30, 20/08/2013

(Hà Văn Thịnh) - "Nguyễn Trãi hết sức kính trọng khả năng sáng tạo của dân. Ông thường so sánh khả năng ấy với sức mạnh chở thuyền, lật thuyền của nước. Sáu trăm năm sau, sự thao thức của con người hành động- Nguyễn Trãi cũng là sự thao thức của tất cả những ai yêu tha thiết nhân nghĩa trên trái đất này".

19 tuổi, tôi vào học khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với bao háo hức và mong mỏi những điều mới lạ từ các thầy cô nơi giảng đường. Thế mà, trong một giờ học môn Khảo cổ học, thầy Trần Quốc Vượng (người nổi tiếng dạy khảo cổ thì vừa vừa nhưng nói về văn hóa, chuyện đời thì rất nhiều) đã "ném" thẳng vào tôi (và các sinh viên khác) một lời khẳng định làm xây xẩm mặt mày: "Các ông, các bà có biết vì sao Nguyễn Trãi chết thê, chết thảm vậy không? Cái "tội" của Ức Trai là ở chỗ đã về hưu rồi còn "chõ mõm" vào việc triều chính"!

Sự bàng hoàng từ câu nói ấy theo tôi đi mãi đến bây giờ. Và, cũng chính từ cái lẽ hoang mang, bất ổn vì không thể hiểu đủ, hiểu đúng những trái ngang của cuộc đời mà tôi đã đọc, đã thao thức nhiều lần về Nguyễn Trãi.

"Nguyễn Trãi hết sức kính trọng khả năng sáng tạo của dân. Ông thường so sánh khả năng ấy với sức mạnh chở thuyền, lật thuyền của nước. Sáu trăm năm sau, sự thao thức của con người hành động và nhà thơ Nguyễn Trãi cũng là sự thao thức của tất cả những ai yêu tha thiết nhân nghĩa trên trái đất này". Tổng Thư ký UNESCO M. Moebal

Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Trãi là con người độc đáo, khác biệt, thiên tài, bi thảm có một không hai. Là hậu duệ của công thần Nguyễn Bặc - người cùng Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân; là cháu của Trần Nguyên Đán - cháu 5 đời của vua Trần Thái Tông; con của một vị tiến sĩ (Nguyễn Ứng Long, tức Nguyễn Phi Khanh) và bản thân cũng đỗ tiến sĩ (Thái học sinh) năm 20 tuổi; Nguyễn Trãi (1380-1442) là bậc hiền tài có dòng dõi - nội lực vào loại trâm anh thế phiệt nhất nước Nam từ cổ chí kim.

Chính trị vì dân, thương dân

Theo PGS. Võ Xuân Đàn thì trong các văn bút của Nguyễn Trãi, chữ dân được nói tới 155 lần - chưa kể các từ đồng nghĩa tương tự như bách tính, sinh linh, xích tử...

Trong diễn văn đọc nhân dịp kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Tổng Thư ký UNESCO M. Moebal cũng đã nhấn mạnh: "Nguyễn Trãi hết sức kính trọng khả năng sáng tạo của dân. Ông thường so sánh khả năng ấy với sức mạnh chở thuyền, lật thuyền của nước. Sáu trăm năm sau, sự thao thức của con người hành động và nhà thơ Nguyễn Trãi cũng là sự thao thức của tất cả những ai yêu tha thiết nhân nghĩa trên trái đất này".

Moebal nói chúng ta hãy (mãi mãi) còn thao thức với những gì Nguyễn Trãi đã trăn trở bởi ông là bậc công thần, bậc đại trí giả, bậc thánh nhân suốt đời tâm niệm "ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày" và cũng là con người hành động kiên quyết để "trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược".

Ở cái thời buổi mà ai cũng nhắc đến công ơn của lãnh đạo (ơn vua, lộc nước), riêng Ức Trai nghĩ đến ơn dân. Tư tưởng vĩ đại, cách mạng đó tỏa sáng cách đây 630 năm và, mãi còn lung linh như vầng sao Khuê rạng rỡ đến muôn đời.

Những câu chữ của trái tim Ức Trai được viết ra bằng máu và nước mắt tưởng chừng như mới viết hôm qua: Thui dân đen trên lò bạo ngược. Hãm con đỏ dưới hố tai ương. Dối trời lừa người, kế gian đủ muôn nghìn khóe...

Mọi thói đời lộng hành, ác bá đã và đang xảy ra khắp cõi đời này đều xuất phát từ chỗ làm ngược lại những điều tâm huyết của Ức Trai. Nguyễn Trãi yêu dân đến mức ông không sợ mình phải "đem ngọc bán rao", miễn là "trong thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận oán sầu".

Hai chữ nhân nghĩa trước, cùng và sau thời Nguyễn Trãi là điều không ít người đã bàn. Mạnh Tử cho rằng "lòng thương xót là đầu mối của nhân" - lòng nhân này nặng về phía cái tình. Chu Tử thì nói nhân là cái lý của lòng yêu, mà lòng yêu, theo Chu Tử là thiên lý, tức nặng về trời. Hàn Dũ nói nhân là bác ái - sống trên đời có nghĩa là nhân. Khổng Tử, "cha đẻ" của chữ nhân thì cho rằng nhân là giữ tam cương, hiểu ngũ thường, biết hiếu đễ...

Nguyễn Trãi quan niệm và thực hiện cái lẽ nhân - dân hoàn toàn khác. Nhân nghĩa của Ức Trai chỉ có một lẽ duy nhất mà thôi, lẽ đó xuyên suốt, rộng khắp trong mọi lúc, mọi nơi với mục đích duy nhất: vì dân. "Nhân nghĩa thì giữ cho thế nước được yên" (Nguyễn Trãi, toàn tập, Nxb KHXH, in lần thứ hai, Hà Nội, 1976, tr.290);

"... thế nào cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không đến nỗi lấy điều muốn của một người mà ép nghìn muôn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời" (sách đã dẫn, tr. 195);

"Hòa thuận tôn thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân. Chớ thưởng bậy vì tư ân. Chớ phạt bừa vì tư nộ. Đừng thích của tiền mà buông tuồng, xa xỉ; đừng gần thanh sắc mà bừa bãi, hoang dâm. Cho đến những việc dùng nhân tài, nghe can gián, ra một chính sách, một mệnh lệnh, phát một lời nói, một việc làm, đều giữ chính trung làm theo thường điển ngõ hầu trên có thể đáp thiên tâm, dưới có thể thỏa nhân vọng, thì quốc gia mới được yên vững lâu dài" (sách đã dẫn, tr. 203)...

Đọc những dòng này lúc 3h sáng, tôi chợt bừng tỉnh ra rằng dường như thiên tài bao giờ cũng có thiên bẩm là tiên tri. Trần Nhân Tông có rất nhiều tư tưởng tiên tri về lẽ sống, chuyện đời.

Hồ Chí Minh tiên tri đúng đến cả tháng ngày của vận nước hưng thành như bàn về thành công của Cách mạng tháng Tám, bàn về việc xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh... Điển hình là trong Di chúc, Người viết về đoàn kết thì nhắc đảng trước, dân sau; nói về quyền lợi, hạnh phúc thì nhấn mạnh dân trước, đảng sau.

Nguyễn Trãi gần như đang nói về "điều muốn của một người mà ép nghìn muôn người". Ông đang nhấn mạnh rằng chớ thưởng bậy vì tư ân... Ông cũng đang khẳng định rằng "... đối dân thì hết hòa, đổi bỏ thói tham ô, sửa trị tệ lười biếng. Bè đảng riêng tây phải dứt, cố phạm phải chừa..." (sách đã dẫn, tr. 199).

Những day dứt và đau đớn của Ức Trai, cái lo son sắt một bề vì dân, vì nước của ông, càng đọc càng thấy thổn thức, xót xa...

Trong cuộc đời mình, Nguyễn Trãi đã đảm trách 17 chức vụ khác nhau. Xét theo nguyên tắc "giao cho nhiều việc để xem tài" như người xưa vẫn nói thì Nguyễn Trãi là bậc kỳ tài. Ở cương vị nào ông cũng sáng, ở trọng trách nào ông cũng minh. Cái tài đó sáng quá, mẫn tiệp quá nên có kẻ đã đặt bẫy để "tắt" cuộc đời ông trong nỗi bi thảm đời đời. Ông có lẽ đã chết vì nói những gì người cầm quyền đương thời không muốn nghe, không muốn biết. Đó là chuyện "dài kỳ" của lịch sử.

Thế nhưng, Nguyễn Trãi muôn đời là biểu tượng bất tử của bốn chữ Nhân Nghĩa An Dân. Tìm khắp cổ kim, đông tây; khó thấy vị danh kiệt nào (không kể vua) lo cho dân cho nước đủ, đúng và chân tình như Nguyễn Trãi! Bi kịch của ông là bi kịch của bậc hiền tài bởi tấm lòng của ông tỏa rạng ngời ngời. "Kinh bang hoa quốc cổ vô tiền" - dựng nước và làm vẻ vang cho đất nước, từ xưa đến nay, chưa có ai làm được như ông.

 Theo TuanVietNam.Net

Đọc & Chia sẻ
Davibooks

* Nếu Quý vị muốn chia sẻ những gì đã đọc. Xin vui lòng gởi bài qua email lienhe@davibooks.vn, dòng subject ghi rõ: Doc & Chia se. Davibooks sẽ chọn đăng để chia sẻ cùng mọi người.

14112
Lượt xem: 1103
 

Tin cùng chuyên mục: "Đọc & Chia sẻ"