Tìm kiếm tin tức

Xây dựng lực lượng think tanks để phát triển

Thứ ba, 2:30, 20/08/2013

(Nguyễn Lương Hải Khôi) - Think tanks không phải là sở hữu riêng của các chính khách. Think tanks là hiện tượng phổ biến của "xã hội công dân". Trong những xã hội có một nền văn hóa dân chủ phát triển cao, các nhóm lợi ích hùng mạnh sẽ không thể triệt hạ các nhóm yếu hơn bằng những trò đê hạ.

Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng của chất lượng chính sách, đối mặt với nhiều thử thách lớn, trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng vẫn chưa thể định hình những chính sách có tính chiến lược một cách khoa học.

Con đường để thoát hiểm phải bắt đầu bằng việc tái cấu trúc tiến trình xây dựng sách lược, trong đó có việc xây dựng tầng lớp tư duy chiến lược chuyên nghiệp dưới hình thức các think tanks [1].

I. Think tank(s) là gì?

Khái niệm "think tank(s)" gần đây được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều cách: "(Các) Vựa tư tưởng", "(Các) Tổ tư duy", "(Các) Bồn tư duy", "Túi khôn", "Nhóm tư duy chiến lược"... Người Trung Quốc dịch là "Trí khố" ( - zhì kù). Người Nhật Bản thì dùng luôn từ "Think tank(s)" trong tiếng Anh, phiên âm sang chữ Katakana (シンクタンク). Trong bối cảnh chưa có khái niệm thống nhất trong tiếng Việt, bài viết này giữ nguyên từ "Think tank(s)".

Nói một cách khái lược, think tank là một "vựa", một "ổ", "tổ", "nhóm", hay nói chung, là một tổ chức nghiên cứu chính sách, sách lược, lúc đầu vốn hình thành trong lĩnh vực quân sự, sau đó lan rộng sang các lĩnh vực khác, chính trị, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, kinh tế...

Ngày nay, phương thức kết hợp "lãnh đạo" với "trí tuệ" thông qua các think tanks là điều hiển nhiên của một nước có trình độ tổ chức cao. Thế giới đã bước sang giai đoạn mà trong cấu trúc của quá trình ra quyết sách (của Nhà nước, Đại học, Doanh nghiệp...), "Con người lãnh đạo", "Con người thừa hành" và "Con người tư duy" đã được tách ra, như một hình thức phân công lao động chuyên biệt.

Think tanks là một góc tam giác cấu thành nên tam giác "chỉ huy - tư duy - hành động" của xã hội hiện đại.

II. Bản chất của think tanks

 

1. Think tanks không phải là Viện hàn lâm

Xét về bản chất, do nằm ở vị trí có tính then chốt trong tiến trình ra quyết định của lãnh đạo, các think tanks khác các viện nghiên cứu hàn lâm.

Khả năng hàng đầu cần có của các think tanks là nghiên cứu để xây dựng các chiến lược làm cơ sở cho hành động. Con người của các think tanks trước hết là con người mà tư duy của họ đặt trong hành động, không phải là những người mưu cầu kiến thức hàn lâm để viết những chuyên khảo kiểu hàn lâm.

Tri thức hàn lâm có một khoảng cách rất xa với các chính sách, cho nên, nói như James G. McGann, các think tanks chuyên nghiệp là cây cầu kết nối giữa tri thức hàn lâm và chính sách [2]. Những cây cầu ấy, ở đầu cầu bên này thì kết nối với bến bờ của trí tuệ hàn lâm, và, ở đầu cầu bên kia thì kết nối với bến bờ của sách lược. Và đến lượt mình, nhà lãnh đạo trở thành một cây cầu kết nối "trí" và "trị": đầu cầu bên này kết nối với trí tuệ của các think tank(s), và đầu cầu bên kia kết nối với quyền lực.

2. Think tanks - yếu tố cơ sở trong cấu trúc tiến trình ra quyết sách

Ngày nay, khoa học về tư duy đã nhận ra rằng, thế giới thực chất là một mô hình có tính hỗn độn, vận động bằng những hệ động lực phi tuyến, thì tư duy của con người cũng phải tiến hóa để thích ứng, hình thành hệ hình tư duy phức hợp, có khả năng nắm bắt những quy luật phi quy luật như đường chạy của một bờ biển.

Các think tanks, trước thách thức của yêu cầu tiến hóa tư duy để thích ứng với thực tiễn như trên, trở nên hết sức cần thiết để không chỉ nghiên cứu định hướng cho những quyết định có tính phản ứng nhanh của bộ phận chỉ huy, phát hiện các nguy cơ và phát kiến các đối sách ứng phó, giúp người lãnh đạo luôn nắm lấy thượng nguồn của dòng chảy vận động của thực tiễn, tránh dạng lãnh đạo "theo đuôi", mà còn hơn thế nữa, phải tư duy theo hướng phát kiến những tiền đề của một trật tự mới nảy nở từ đáy sâu của trạng thái vô trật tự, tạo cơ hội để kiến thiết những sáng tạo để dòng chảy mới ấy vận hành.

Nghiên cứu chính sách bằng tư duy phân tích thuần túy đã gây ra vô số bất cập. Chúng ta phân tách cuộc sống với vô số những mối liên hệ tương hỗ và đa chiều thành từng mảng nhỏ - kinh tế, giáo dục, xã hội, văn hóa... - làm như thể những bộ phận "rời rạc" bị tư duy của chúng ta chia cắt này không có mối liên hệ trên thực tế.

Do đó, tư duy chiến lược có tính phức hợp, dựa trên cơ sở tri thức đa ngành, đã là một yêu cầu bức thiết trong tiến trình hoạch định chính sách. Và mặt khác, cùng với sự tích lũy tri thức khổng lồ của thời đại ngày nay, thời đại của những nhà chiến lược - bác học có thể tinh thông và xử lý vấn đề ở mọi lĩnh vực đã chấm dứt. Vì vậy, những think tanks tập hợp chuyên gia từ tất cả các lĩnh vực liên quan đến đến một chiến lược, một quyết sách, trở thành nhu cầu có tính tất yếu của các nước có trình độ tổ chức cao.

Một phần vì lý do này mà xã hội càng văn minh, quá trình ra quyết sách càng khó khăn. Ở những xã hội có nền văn hóa dân chủ phát triển cao, nói như Gs. Bernhard May, ở Free University of Berlin, quá trình ra quyết sách đích thực, nhất là với những quyết sách lớn, thì giống như một sự hỗn độn vì những cuộc thử thách. Bởi lẽ có nhiều giai tầng xã hội, nhiều chính trị gia quan trọng, những con người có ảnh hưởng lớn..., nói chung là, tất cả những ai cảm thấy mình có liên quan đến quyết sách, đều được quyền tham gia vào. Không ai bị loại bỏ tiếng nói vì bất cứ lý do gì. Tình trạng này thì rất khác với sự dễ dàng khi tiến hành một quyết định theo lề thói quan liêu trong một xã hội chưa trưởng thành. [3]

Trước thực tiễn đó, "con người chỉ huy" (các chính trị gia, các lãnh đạo doanh nghiệp và đại học...) và "con người tư duy" (các nhóm tư duy chiến lược chuyên trách), trong quá trình ra quyết sách, buộc phải được chuyên môn hóa.

Hơn thế nữa, ngày nay, họ còn phát triển thành một tầng lớp xã hội đặc thù.

III. Think tanks như một giai tầng xã hội

Ngày nay, thế giới có thể biết đến tên tuổi của khoảng 5.500 think tanks ở khoảng 170 quốc gia.

Về tài chính, có những think tanks được tài trợ ngân quỹ lên đến nhiều chục triệu USD, có nhóm chỉ vận hành theo tinh thần tình nguyện của các thành viên. Về tầm vóc, có think tanks nghiên cứu những vấn đề vĩ mô ở phạm vi toàn cầu, có nhóm chỉ quan tâm đến tầm khu vực, có nhóm chỉ nghiên cứu những vấn đề của nước mình, hoặc nhỏ hơn nữa, phục vụ cho những mục tiêu giới hạn của một doanh nghiệp, một trường đại học, hay một nhóm xã hội.

Về đối tượng nghiên cứu, có những think tanks chú tâm vào nghiên cứu chính sách, hỗ trợ cho quá trình làm luật và ban hành quyết sách, như Rand Corporation của Mỹ (là nhóm dân sự, nhưng có tài trợ từ chính phủ, từng thu hút sự cộng tác của hàng chục nhà khoa học đạt giải Nobel), hay nhóm dân sự Overseas Development Institute (ODI) của Anh, chuyên về chính sách nhân đạo và phát triển quốc tế.

Hoặc, có các think tanks thiên về phục vụ cho các đảng phái chính trị, hoạch định các hướng đi chiến lược, tạo môi trường sinh hoạt tri thức cho cả các lãnh đạo chính trị lão luyện lẫn những tài năng chính trị kế cận. Ví như Heritage Foundation của Mỹ.

Một trường hợp tương tự Heritage Foundation của Mỹ là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nơi mà ngày nay, các Ủy viên Bộ chính trị của nước này thỉnh thoảng đến ngồi nhiều ngày, vừa uống trà vừa lắng nghe các học giả tranh luận, cũng là nơi đẻ ra những "chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc""xí nghiệp hương trấn" thời Giang Trạch Dân hay "xã hội hài hòa" thời Hồ Cẩm Đào.

Và, đặc biệt là các think tanks độc lập với các đảng phái, chuyên về nghiên cứu những chương trình hành động, đề xuất những sáng kiến, làm cơ sở cho các chương trình nghị sự ở tầm toàn cầu của quốc gia. Lực lượng tư duy chiến lược của thế giới thường nhìn họ như là những "ngôi sao" trong giới của mình. Chẳng hạn, Broookings Institute của Mỹ hay Royal Institute of International Affairs của Anh. Đặc biệt có thể kể đến Council Foreign Relations của Mỹ. Trong lịch sử, đây là think tank đã hoạch định sách lược của nước Mỹ khi đối phó với thế chiến thứ 2, nghiên cứu các sách lược làm nền tảng cho Kế hoạch Marshall và xây dựng NATO sau đó.

Think tanks không phải là sở hữu riêng của các chính khách. Think tanks là hiện tượng phổ biến của "xã hội công dân". Trong những xã hội có một nền văn hóa dân chủ phát triển cao, các nhóm lợi ích hùng mạnh sẽ không thể triệt hạ các nhóm yếu hơn bằng những trò đê hạ. Tất cả phải dùng đến tư duy chiến lược, thông qua những nghiên cứu chiến lược trên tinh thần khoa học, đối thoại với nhau bằng tinh thần duy lý theo nguyên tắc "tất cả cùng thắng".

Trong môi trường kinh tế, các think tanks, từ chỗ chỉ tồn tại như là bộ phận hoạch định chính sách trong một công ty, phát triển thành một lực lượng kinh tế độc lập, ở dạng thức các công ty tư vấn, tư vấn trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ tài chính đến kỹ thuật. Cái mà họ bán ra là ý tưởng. Ở Mỹ, riêng thung lũng Silicon có 47 think tanks về khoa học công nghệ, thu nhập hàng năm hơn nửa tỷ USD [4].

Những think tanks trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ở bộ phận tiên phong của thế giới, đã đưa các nước này vượt qua giai đoạn mà những phát minh công nghệ xuất hiện như là những ngẫu nhiên trong dòng chảy lịch sử, đi đến giai đoạn có thể kiến thiết những "thời đại mới" trong công nghệ, chủ động như thực hiện một dự án.

Ở Nhật Bản, do "văn hóa hiệp hội" phát triển cao, các think tanks thường tập trung lại với nhau thành các Hiệp hội. Chẳng hạn, Hiệp hội "Chihou Thinkutanku Kyougikai" (Hiệp hội các Think tanks Địa phương), quy tụ 4 Nhóm vùng Hokkaido, 9 Nhóm vùng Tohoku và Kanto, 6 Nhóm vùng Hokuriku, 17 Nhóm vùng Chubu, 31 Nhóm vùng thủ đô, 12 Nhóm vùng Chugoku, 11 Nhóm vùng Kyusiu, hoặc một Hiệp hội lớn khác là "Nihon Thinkutanku Kyoukai" (Hiệp hội các Think tanks Nhật Bản), quy tụ 10 Nhóm doanh nghiệp và dân sự.

Tóm lại, do được tách ra thành một lực lượng chuyên nghiệp, đóng vai trò là bộ phận thiết kế một tiến trình hành động cụ thể cho tổ chức, là cái đầu "tư duy thay" cho bộ phận chỉ huy trong bộ máy, các think tanks là hình thức tồn tại của một giai tầng xã hội riêng biệt, tầng lớp tư duy chiến lược trong xã hội hiện đại.

Ở Trung Quốc, năm 2009, vừa ra đời một think tank mới, nửa dân sự nửa nhà nước, nhưng đã được thế giới chú ý, China Center for International Economic Exchanges (CCIEE),[5] bởi nó quy tụ những tên tuổi lớn, như Zeng Peiyan, nguyên Phó Thủ tướng, Liu Zunyi, Hiệu trưởng của Chinese University of Hong Kong, Chen Yuan, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Qian Yingyi, Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý, Đại học Thanh Hoa...

Ngay sau khi thành lập, CCIEE đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các Think tanks toàn cầu (Globle Think tank Summit) vào 7/2009. Hội nghị này, cho thấy ba điều sau.

-         Một là, Chính phủ Trung Quốc hôm nay đối đãi các Think tanks của đất nước mình không kém gì Trần Hưng Đạo của Việt Nam đối đãi các tỳ tướng 700 năm trước.

-         Hai là, các Think tanks hàng đầu Trung Quốc đang muốn tìm kiếm vai trò toàn cầu.

-         Và cuối cùng, quan trọng nhất, cho thấy vị trí quan trọng của lực lượng tư duy chiến lược trong đời sống hiện đại của nhân loại.

Ở Trung Quốc ngày nay, thời đại của những quân sư phe phẩy quạt mo như Gia Cát Lượng đã chấm dứt, mà là thời đại của các think tanks. Về số lượng, họ đã phát triển đến trên 2000 nhóm, nhiều nhất thế giới, thuộc đủ các thành phần, dân sự, nhà nước, đại học, doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý là, các think tanks ở Trung Quốc có một sự "phân công lao động" tự nhiên khá bài bản. Các nhóm của Chính phủ thì nghiên cứu những ý tưởng lớn, thiết kế những chương trình hành động ở tầm vĩ mô cho trung ương, các nhóm dân sự thì chủ yếu thiết kế chiến lược hành động cho các doanh nghiệp và đại học, đồng thời kết nối môi trường "xã hội công dân" sơ khai [6] với chính quyền[7]

Theo dõi các chiến lược gần đây của Trung Quốc, những chiến lược được cả thế giới chú ý theo dõi, như chiến lược khai thác Châu Phi, chiến lược "chinh phục" Nam Mỹ vốn được coi là "sân sau" của Mỹ, chiến lược "chinh phục" Châu Âu bằng cách "tấn công" vào khâu mắt yếu nhất là Hi Lạp, chiến lược "uy hiếp" Ấn Độ, chiếc lược biến toàn bộ Biển Đông thành "ao nhà"... chúng ta có thể thấy dấu ấn rõ ràng của các think tanks chủ chốt của Trung Quốc.

Think tanks hoàn toàn không phải là điều xa lạ ở Trung Quốc. Hiện tượng xã hội này đã có từ thời cổ đại. Tuy vậy, trong lịch sử, ở Trung Quốc, sự ra đời và biến mất của một Nhóm tư duy chiến lược nào đó, thường có tính ngẫu nhiên, phụ thuộc vào khả năng và sở thích của người lãnh đạo, do đó, "thành - bại, được - mất" theo nhau hoán đổi liên tục. Ngày nay, một khi lực lượng tư duy chiến lược đã phát triển thành một giai tầng xã hội, trở thành bộ phận bất khả khuyết trong quá trình ra quyết sách, thì thành phần xã hội này sẽ được duy trì trong mọi hoàn cảnh. Đất nước càng khủng hoảng, càng được trọng dụng.

Trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, các think tanks cũng mang tính toàn cầu hóa, không chỉ trong tư duy mà cả trong hành động. Các cuộc hợp tác quốc tế được phát triển, hình thành những think tanks liên quốc gia, và các vấn đề chung của nhân loại cũng trở thành đối tượng chung, từ hiện tượng biến đổi khí hậu đến đại dịch AIDS, từ chống đói nghèo đến chống khủng bố.


[1] Tái cấu trúc tiến trình xây dựng quyết sách

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-07-07-tai-cau-truc-tien-trinh-xay-dung-quyet-sach

[2] Xem: James G. McGann, THE GLOBAL "GO-TO THINK TANKS", The Leading Public Policy Research Organizations In The World, Think Tanks and Civil Societies Program, University of Pennsylvania, 2008

[3] Bernhard May, Think Tanks in ASEAN-EU Relations: European Perspective, Tạp chí Panorama, 1/2000. p. 40

[4] Nonprofits are true powerbrokers

http://news.cnet.com/Silicon-money-Nonprofits-are-true-powerbrokers/2009-1028_3-6050711.html?tag=mncol;txt

[5] Website của CCIEE: http://www.cciee.org.cn/en/

[6] Xã hội công dân, tức "Civil Society", ở nước ta gần đây thường dịch là "xã hội dân sự".

[7] Xem: China's Think Tank Proliferate http://chinanewswrap.com/2009/07/03/chinas-think-tanks-proliferate/

 Theo Tuanvietnam.net

Đọc & Chia sẻ
Davibooks

* Nếu Quý vị muốn chia sẻ những gì đã đọc. Xin vui lòng gởi bài qua email lienhe@davibooks.vn, dòng subject ghi rõ: Doc & Chia se. Davibooks sẽ chọn đăng để chia sẻ cùng mọi người.

14112
Lượt xem: 793
 

Tin cùng chuyên mục: "Đọc & Chia sẻ"