Cửa Thứ Nhất Vào Núi Thiếu Thất - Lý Minh Tuấn

Giỏ hàng

 

Chia sẻ

Facebook Twitter Google Buzz Link hay
Tác giả: Lý Minh Tuấn NXB: Hồng Đức Hình thức: Bìa Mềm
Giá gốc: 265.000 VNĐ
Giá bán: 225.250 VNĐ
Tiết kiệm: 39.750 VNĐ (-15%)

>> [ Kinh Phật ]

>> Tủ sách Phật Giáo

>> Sách Xưa

>> Tủ sách Triết học

>> Sách Thầy Viên Minh

>Phật Giáo Nguyên Thủy

>Vật Phẩm Phật Giáo (New)

Cảo thơm lần giở trước đèn

Nhiều sách cổ, quý hiếm, được tái tạo bảo tồn.

Sách của Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Lê Mạnh Thát, Nghiêm Xuân Tú, Hoà Thượng Thích Minh Châu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh,...

 
 

Sản phẩm liên quan

 

Khách hàng mua sản phẩm này cũng mua

 

Mô tả sản phẩm

“Cửa Thứ Nhất Vào Núi Thiếu Thất" là cửa thứ nhất trong “Sáu Cửa Vào Núi Thiếu Thất" (Thiếu Thất Lục Môn). Cửa này có tên là Tâm Kinh Tụng (nói rõ về Tâm-Kinh). Thiếu Thất Lục Môn là một tác phẩm quan trọng trong Thiền Tông Trung Quốc thuộc Dòng Thiền Bồ Đề Đạt Ma.

Thiếu Thất là tên một ngọn núi nằm trong rặng Tung-Sơn, ở khoảng giữa nước Trung Hoa, thuộc tỉnh Hà-Nam. Tại núi Thiếu Thất có một ngôi chùa rất nổi tiếng là Thiếu Lâm Tự; chùa này do vua Hậu Ngụy Hiếu Văn xây dựng dành cho các tăng Thiên Trúc (Ấn-Độ) trụ trì. Tương truyền, vào khoảng năm 520, theo sự gợi ý của Tổ Bát Nhã Đa La, đại sư Bồ Đề Đạt Ma (Bodhi-Dharma) đã từ Nam Ấn dùng thuyền vượt biển Đông, cập bến tại Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi hội ngộ cùng vua Lương Võ Đế (thời Nam Bắc Triều), thấy vua Lương chẳng hiểu gì về Phật pháp thượng thừa, Bồ Đề Đạt Ma sang nước Ngụy (Bắc Triều), trú ngụ ở Chùa Thiếu Lâm.

Tại đây, ông đã được tăng chúng gọi là “Bích Quán Bà La Môn” (thầy Bà La Môn ngó vách). Một thời gian sau, tương truyền Bồ Đề Đạt Ma đã an tâm cho một nhà sư Trung Hoa tên là Thần Quang. Thế rồi, Đạt Ma cho sư Thần Quang một pháp danh mới là Huệ Khả, truyền y bát cho ông này làm Tổ Thiền Trung- Hoa cùng với bộ Kinh Lăng-Già và một bài kệ phó chúc:

“Ngô bổn lai tư độ,

Truyền pháp cứu mê tình.

Nhất hoa khai ngũ diệp,

Kết quả tự nhiên thành”.

(Ta sang đến cõi này,

Truyền pháp cứu mê tình.

Một hoa nở năm cánh,

Nụ trái tự nhiên thành).

(Theo T.T. Thanh Từ: Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa, Tu Viện Chân Không xuất bản, năm 1971, trang 166).

Theo sự lý giải giả định của thiền sư Suzuki: "Năm cánh chừng như chỉ vào năm vị tổ sư Trung Hoa sau Đạt Ma khi Thiền được thừa nhận như một pháp môn chân truyền mang nặng một sử mạng thù thắng. Hoặc bài kệ ấy là một sấm ngữ thật sự của chính Đạt Ma, hay do một sử gia Thiền nào đó ngụy tạo ra sau đời Lục Tổ Huệ Năng, ta không tiện quyết định”. (Suzuki: Thiền Luận, dịch giả: Trúc Thiên, An Tiêm xuất bản, năm 1970, trang: 274).

Năm vị tổ sư Trung Hoa sau Đạt Ma là: Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng.

Tuy nhiên, có học giả lại cho rằng “năm cánh" trong bài kệ trên ám chỉ năm tông phái Thiền phát khởi từ đạo trường Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng. Đó là: Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn, và Pháp Nhãn. (xin xem: Thiếu Thất Lục Môn, Yếu Chỉ Thiền Đạt Ma của tác giả Nguyễn Minh Tiến, NXB Tôn Giáo, năm 2006, trang: 6).

"Năm cánh hoa" trong bài kệ phó chúc đã có những giả thuyết lý giải như thế. Thực ra, ngay sự có mặt của Bồ Đề Đạt Ma ở Trung Quốc vẫn còn là một nghi vấn với các học giả nghiên cứu. Có nhóm học giả tin rằng Bồ Đề Đạt Ma đã đến Trung Quốc truyền pháp; có nhóm bảo rằng không! Trong nhóm trên có Hồ- Thích...; nhóm dưới có Phùng Hữu Lan... Nhưng những chứng cớ của cả hai nhóm đưa ra cũng chẳng đáng tin hoàn toàn. Hai nhóm đều chỉ trưng ra những giả thuyết; và vấn đề Bồ Đề Đạt Ma cũng như vấn đề những tổ sư chỉ là những vấn đề nan giải dành cho các nhà sử học và khảo cổ học. (xin xem: Phạm Công Thiện, Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma, Tân Ý Thức xuất bản, năm 1964, trang: 29-31).

Riêng tác phẩm "Thiếu Thất Lục Môn” cũng ở trong trường hợp tương tự. Có thuyết cho rằng Thiếu Thất Lục Môn là tác phẩm do Bồ Đề Đạt Ma viết bởi vì tác phẩm chứa giáo lý căn bản của Thiền Đạt Ma, được bộ Thiền sử Truyền Đăng Lục ghi chép lại. Tuy nhiên Thiếu Thất Lục Môn cũng có thể không phải do chính tay Bồ Đề Đạt Ma viết ra, mà có thể do một vị sư nào đó trong dòng Thiền Đạt Ma soạn ra vào cuối đời Đường nhân danh Tổ Đạt Ma. (xin xem: Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, dịch giả Trúc Thiên, An Tiêm xuất bản, năm 1969, trang: 15-16).

Ngày nay, cân nhắc lại, thuyết sau có vẻ hợp lý, bởi vì tương truyền Bồ Đề Đạt Ma rất ít nói. Ông không có thói quen trình bày Thiền lý một cách dài dòng và cũng không có thói quen làm thơ như một thi sĩ thực thụ. Thế mà trong phần Tâm Kinh Tụng (Cửa Thứ Nhất Vào Núi Thiếu Thất), có tới 37 bài thơ diễn 37 đoạn câu trong Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh!

Thế thì vấn đề có thật Bồ Đề Đạt Ma đã đến Trung Quốc truyền pháp Thiền chăng, hay có thật "Thiếu Thất Lục Môn” do chính Bồ Đề Đạt Ma chấp bút chăng, hoặc do một vị thiền sư Trung Quốc nào viết, điều đó quả thật cũng không mấy quan trọng đối với những người muốn cảm nhận ngộ tánh Thiền.

Vấn đề quan trọng ở chỗ qua “Thiếu Thất Lục Môn”, người ta có thể nghiệm ra Thiền lý là thế nào; hay là nhận ra được tinh túy của đạo Phật Ấn Độ được diễn đạt phù hợp với tâm lý người Trung Quốc là thế nào. Cho đến nay, Thiền Tông Trung Quốc là một tổng hợp giáo lý giác ngộ của Đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ và tư tưởng Lão Trang ở Trung Hoa là điều các học giả nghiên cứu hầu hết đều đồng lòng công nhận.

Thiếu Thất Lục Môn gồm có 6 cửa:

1. Tâm Kinh Tụng: nói rõ về bản Tâm Kinh.

2. Phá tướng luận: bàn về phép phá tướng.

3. Nhị chủng nhập: hai nẻo đường vào đạo.

4. An tâm pháp môn: phương pháp an tâm.

5. Ngộ tánh luận: bàn về phép kiến tánh thành Phật.

6. Huyết mạch luận: bàn về huyết mạch đạo Phật.

Thiếu Thất Lục Môn tuy có nghĩa cụ thể là “Sáu Cửa Vào Núi Thiếu Thất”, nhưng thực ra chẳng có cửa hữu hình nào để vào! Ở đây, “cửa” là “phương thế” giúp người tu đạt tới giác ngộ viên mãn. “Thiếu Thất” cũng chẳng phải là núi Thiếu Thất trong dãy Tung Sơn ở Hà Nam, mà “núi Thiếu Thất” chỉ thị chính sự giác ngộ trọn vẹn theo phép tu Thiền (kiến tánh).

Tuy Thiếu Thất Lục Môn nói tới sáu cửa hay sáu phương thế để thích hợp với tâm tính hay tùy theo mối duyên của mỗi người tu; chứ thực ra, chỉ một cửa cũng đủ đưa người tu đạt tới giác ngộ viên mãn.

Trong phạm vi cuốn sách nhỏ bé này, chúng tôi chỉ xin đề cập tới “Cửa Thứ Nhất Vào Núi Thiếu Thất”: Tâm Kinh Tụng. Tâm Kinh Tụng là nói rõ về cuốn sách Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Cuốn kinh này vốn có gốc là bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh (Prajna Paramita Sutra), phần nhiều là những bài kệ nói về tư tưởng siêu hình (Hình nhi thượng học), không biết ai là tác giả. Bộ kinh này, theo truyền thuyết, là những lời của Đức Phật Thích Ca giảng riêng cho Tu-Bồ Đề (Subhuti) trong 22 năm (Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm); bộ sách này xuất hiện vào khoảng thế-kỷ thứ I trước công-nguyên.

Về sau, sách được toát yếu thành bản văn Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajna Paramitā Hridaya Sutra). Tâm nghĩa là toát yếu, trọng tâm, tinh yếu. Tuy chữ nghĩa ít ỏi như vậy, chỉ vỏn vẹn có 260 chữ trong bản dịch Hán văn của Huyền Trang tôn giả, nhưng tư tưởng trong kinh này bao trùm toàn bộ tư tưởng Phật giáo Đại thừa.

Có tới 7 bản kinh này được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán; riêng bản dịch của Đường Huyền Trang được truyền tụng nhiều hơn cả. Trong Đại thừa giáo, bản kinh này là một trong những bản kinh quan trọng nhất, mà lại ít chữ nhất và khó hiểu nhất!

Phần “Tâm Kinh Tụng" trong Thiếu Thất Lục Môn được viết thành thơ căn cứ trên bản dịch này của Đường Huyền Trang.

Với sự hiểu biết ít ỏi, chúng tôi mạo muội chuyển dịch và giải bày về “Cửa Thứ Nhất Vào Núi Thiếu Thất" (Tâm Kinh Tụng). Dĩ nhiên với sở kiến và cảm nghiệm đơn sơ của mình, chỉ sợ làm sai lạc thâm ý của cổ nhân. Dù sao đây chỉ là cơ hội để chúng tôi cố gắng trình bày chút ít về huyền nghĩa của Tâm Kinh. Vậy nếu có những điều sơ sót, xin Quí vị thức giả am hiểu về Phật Thiền thông cảm và hỉ xả cho.

Viết tại Thiều Hoa Trang

Xuân Trà, Đồng Nai,

Ngày 9-12-2019

(Ngày 14 tháng 11 năm Kỷ Hợi)

Tiết Đại Tuyết

Lý Minh Tuấn

Thông tin thêm

=*=*=*=*=*=*=*=*=

Sách cũng có bán tại DAVIBOOKS - SÁCH ĐẤT VIỆT:

- A30/9 QL50, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM (Đối diện Điện Máy Xanh; cách bến xe Q8 150m hướng về phía đường Nguyễn Văn Linh)

- SĐT: 028 6265 2039

DAVIBOOKS đem đến cho Quý độc giả những bộ sách mới nhất, nhanh nhất, và chất lượng nhất.

Thông tin sản phẩm

Số trang
348
Kích thước
15.5 x 23 cm
Lượt xem
119
Trọng lượng
550 gr

Sách giảm giá

Nhận xét sản phẩm

Không tìm thấy nhận xét nào cho sản phẩm này
 

Viết nhận xét

Vui lòng đăng nhập để đăng nhận xét