Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Trần Ngọc Thêm

Giỏ hàng

 

Chia sẻ

Facebook Twitter Google Buzz Link hay
Giá bán: 140.000 VNĐ

Trong thời đại ngày nay, khi kinh tế ngày càng phát triển và các quốc gia trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau thì văn hóa dân tộc ngày càng trở thành trung tâm của sự chú ý. Quan điểm mang tính chiến lược “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội" được hình thành tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VII, năm 1993) đã được tái khẳng định nhiều lần trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt Nam học cho khối đại học ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi được giao trách nhiệm xây dựng chương trình, sau đó là giáo trình môn học “Cơ sở văn hóa Việt Nam” cho nhóm ngành ngoại ngữ và bắt đầu giảng dạy thử nghiệm môn học này từ năm học 1990-1991, khởi đầu tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội). Đây là môn học nhằm cung cấp cho sinh viên nhóm ngành ngoại ngữ những tri thức cơ bản nhất về các đặc trưng cơ bản cùng những quy luật hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam. Với một số điều chỉnh nhỏ, chương trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành năm 1995 dùng chung cho cả khối ngành khoa học xã hội - nhân văn và tự chọn cho khối ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật. Cũng trong năm 1995, sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (504 tr.) của tôi lần đầu tiên được Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chính thức xuất bản.

- Trần Ngọc Thêm -

=========

>>> Tủ sách Phong Tục - Tập Quán

>>> Tủ sách Văn Học Dân Gian

>>> Tủ sách Văn Học Việt Nam

>>> Tủ Sách Lịch Sử

>>> Tủ sách Lịch Sử Thế Giới

Cảo thơm lần giở trước đèn

Nhiều sách cổ, quý hiếm, được tái tạo bảo tồn.

Sách của Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Lê Mạnh Thát, Nghiêm Xuân Tú, Hoà Thượng Thích Minh Châu, Thiền sư Thích Nhất Hạnh,...

 
 

Sản phẩm liên quan

 

Mô tả sản phẩm

Trong những năm 2000 có cuộc Tọa đàm về cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam" do Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/12/2010 với diễn giả chính là GS.TS. Phan Hữu Dật – nhà dân tộc học hàng đầu, nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam (1998-2003). Gần đây, nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Trung cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam", Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Thành Công (National Cheng Kung University, NCKU, thành phố Đài Nam, Đài Loan) đã tổ chức hai cuộc tọa đàm tại Đại học Quốc gia Thành Công và tại thành phố Đài Bắc vào các ngày 25 và 27/12/2019 với sự tham gia của GS.TS. Tưởng Vi Văn (蔣為文), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc NCKU; GS.TS Tiêu Tân Hoàng (蕭新煌), Cố vấn Phủ Tổng thống Đài Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ Giao lưu Đài Loan - Châu Á; GS.TS. Trịnh Bang Trấn (鄭邦鎮), nguyên Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Văn học Đài Loan; GS.TS. Trần Văn Đoàn (陳文團), nguyên Trưởng khoa Triết học, Đại học Quốc gia Đài Loan; GS.TS. Khang Bồi Đức (康 培德), Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đài Loan.

Ý kiến thảo luận thì nhiều và rất đa dạng, mỗi người đều đứng từ góc nhìn của mình, trong khi văn hóa là đối tượng liên ngành, ai cũng có thể góp bàn được. Tuy nhiên, có thể thấy hình thành hai luồng ý kiến khá rõ rệt.

Chiếm đa số là luồng ý kiến thiên về ủng hộ, công bố chính thức tại các hội thảo, tọa đàm và các tạp chí chuyên ngành của các nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và quan hệ văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, về Đông Nam Á học, dân tộc học... như GS. Phạm Đức Dương (nhà nghiên cứu (NNC) Đông Nam Á học), GS. Đinh Gia Khánh (NNC văn hóa dân gian), GS. Phan Hữu Dật (NNC dân tộc học), GS. Nguyễn Khắc Phi (NNC văn học Trung Quốc), GS. Lương Duy Thứ (NNC văn học Trung Quốc), GS. Nguyễn Tấn Đắc (NNC Đông Nam Á học), GS. Vũ Ngọc Khánh (NNC văn hóa dân gian), GS. Lê Thành Khôi (NNC lịch sử, Pháp), GS. Michel-Espagne (NNC Việt Nam học, Pháp) và các giáo sư Đài Loan vừa nhắc đến ở trên... Bên cạnh những góp ý sâu sắc, khoa học, chân tình, các học giả đã đánh giá cao tính hợp lý trong cách tiếp cận, tính hệ thống trong lập luận, tính nghiêm túc trong tinh thần khoa học, và bao trùm là tính mới cùng sự đóng góp của công trình.

Luồng ý kiến thứ hai thiên về phủ nhận của nhà thơ Trần Mạnh Hảo công bố trên Báo Văn nghệ (số 17-18 ngày 27/4 và 04/5/1996), nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trên Báo Văn nghệ (số 37, tháng 7/1996), TS. Nguyễn Văn Dương trên Tạp chí Văn Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 5/1996), GS. Liam C. Kelley (Lê Minh Khải) trên blog cá nhân. Bên cạnh những góp ý đúng mà chúng tôi đã trân trọng tiếp thu, các bài phê bình này chứa đựng một số nhận xét không thỏa đáng, phần là do hiểu lầm, do không cùng điểm xuất phát, do khác biệt về quan điểm và phương pháp nghiên cứu, do thiếu thông tin hoặc đọc không kỹ...

Với những ý kiến của ba tác giả đầu, chúng tôi đã thể hiện chính kiến của mình dưới dạng tổng hợp trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Công Bình đăng trên Báo Văn nghệ số 32 ra ngày 10/8/1996 nhan đề “Trò chuyện với tác giả “Cơ sở văn hóa Việt Nam""; bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Thuận Thiên đăng trên Báo Lao động số 190 (98) ra ngày 28/11/1998 nhan đề “Tương lai bản sắc văn hóa Việt Nam: Hài hòa thiên về dương tính..." và trong phần Phụ lục nhan đề “Đối thoại cùng bạn đọc" in trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” tái bản năm 2000, 2004. Các đối thoại này được chia theo năm chủ đề: (1) Về khái niệm “văn hóa và cấu trúc văn hóa”; (2) Về hai loại hình văn hóa; (3) Về quan hệ văn hóa phương Bắc và phương Nam; (4) Về vấn đề âm dương ngũ hành; và (5) Về các vấn đề khác còn lại. Các bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc những đối thoại này (tr. 597-616). Với những ý kiến của Liam C. Kelley, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy đã tham gia đóng góp hai bài trả lời trên khoahocnet.com (2017/05/12) và nhatbaovanhoa. com (2017/09/14). Trong sách này, chúng tôi cũng có phân tích về chỗ sai trong những ý kiến có liên quan của Lê Thành Khôi ở tr. 8 (§1.2.5 chương I) và tr. 34 (§2.3.2 chương I); của Liam Kelley ở tr. 37 (§2.3.2 chương I); của Huỳnh Công Bá và Nguyễn Xuân Kính ở tr. 38 (§3 chương I); của K.W. Tylor ở tr. 226 (§1.4.2 chương V); của Cao Tự Thanh ở tr. 293 (§3.2.2 chương VI).

Riêng về ý kiến của Trần Mạnh Hảo cho rằng chúng tôi “đạo văn” của Kim Định xin được nói rõ như sau: Ai cũng biết rằng mọi nhà khoa học đều phải xuất phát từ tri thức mà những người đi trước đã tích lũy được. Vào thời điểm những năm 1990, để viết được “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, chúng tôi đã tham khảo hơn 400 tài liệu, trong đó có 10 đầu sách của Kim Định và dẫn nguồn từ Kim Định trong “Tìm về bản sắc...” ở hơn 10 chỗ. Dựa vào người đi trước thì tất sẽ có chỗ giống họ, có chỗ khác họ; có chỗ tiếp thu, có chỗ bổ sung.

Chỗ giống nhau cơ bản là Kim Định và chúng tôi đều cố gắng thoát ra khỏi căn bệnh “lấy Trung Hoa làm trung tâm”. Còn về sự khác nhau thì, với phương pháp “huyền sử", quan điểm của Kim Định có thể quy về ba điều: (1) Viêm tộc [= Việt tộc] đã làm chủ nước Tàu trước Hoa tộc (Việt lý tố nguyên, 1970, tr. 52-53, 77); (2) Bởi thế nên “phải nói rằng Việt Nho bàng bạc trên khắp nước Tàu trước khi người Tàu xâm nhập" và, do vậy, Nho giáo trước thời Tần chính là Việt Nho mà Khổng Tử thuộc số những đại biểu cuối cùng (Tinh hoa ngũ điển, 1973, tr. 18, 9); (3) Do đó, tất cả các tư tưởng âm dương, ngũ hành, bát quái cũng như các sách kinh điển của Nho giáo đều thuộc về Viêm tộc cả. Trong khi đó thì ở các tác phẩm của mình, chúng tôi đã giới hạn rất rõ ràng khu vực cư trú của cư dân Nam-Á - Bách Việt (xem mục 2.2.2 ở Chương I của sách này), cũng như tách biệt rõ ràng những sản phẩm của văn hóa phương Bắc với phương Nam thể hiện xuyên suốt trong hai cuốn sách (điều mà ở các tác phẩm của Kim Định không hề có); đồng thời chỉ ra sự giao lưu qua lại giữa chúng (xem mục 1.2 trong phần Kết luận của sách này). Về đối lập Đông-Tây mà trước Kim Định đã có nhiều người nói đến, chúng tôi đã chính xác hóa chúng và tách ra một loại hình văn hóa thứ ba là loại hình văn hóa trung gian (xem mục 2.1 trong sách này). Nhận xét về chỗ giống nhau và khác nhau giữa chúng tôi và Kim Định, ông Vũ Khánh Thành, nguyên là học trò của Kim Định, Giám đốc Hội An-Việt ở Anh quốc (một hội có mục đích nghiên cứu và phổ biến triết lý An vi của Kim Định), trong một bức thư gửi chúng tôi đề ngày 05/4/2000 đã viết: “Cụ Định do trực giác nhìn thấy cội nguồn văn hóa Việt. Anh, lớp người đến sau, chứng minh rõ ràng hơn. Cụ Định xoáy vào suy tư triết lý, anh đi vào khoa học thuyết minh. Cụ Định cho nổ bom thức tỉnh mọi người, anh bình tĩnh tìm cội nguồn trước sau".

GS. TSKH. TRẦN NGỌC THÊM

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 2 năm 2023

Thông tin thêm

=*=*=*=*=*=*=*=*=

Sách cũng có bán tại DAVIBOOKS - SÁCH ĐẤT VIỆT:

- A30/9 QL50, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM (Đối diện Điện Máy Xanh; cách bến xe Q8 150m hướng về phía đường Nguyễn Văn Linh)

- SĐT: 028 6265 2039

DAVIBOOKS đem đến cho Quý độc giả những bộ sách mới nhất, nhanh nhất, và chất lượng nhất.

Thông tin sản phẩm

Sách giảm giá

Nhận xét sản phẩm

Không tìm thấy nhận xét nào cho sản phẩm này
 

Viết nhận xét

Vui lòng đăng nhập để đăng nhận xét