Combo Cao Huy Thuần (Bộ 3 Cuốn): Khi Tựa Gối Khi Cúi Đầu + Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta + Tôn Giáo Và Xã Hội Hiện Đại

Combo Cao Huy Thuần (Bộ 3 Cuốn): Khi Tựa Gối Khi Cúi Đầu + Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta + Tôn Giáo Và Xã Hội Hiện Đại

Giỏ hàng

 

Chia sẻ

Facebook Twitter Google Buzz Link hay
Tác giả: Cao Huy Thuần
Giá gốc: 243.000 VNĐ
Giá bán: 194.400 VNĐ
Tiết kiệm: 48.600 VNĐ (-20%)
 
 

Sản phẩm liên quan

 

Mô tả sản phẩm

  • Khi Tựa Gối Khi Cúi Đầu - Tái bản lần 1

Tác giả: Cao Huy Thuần
Một thoáng cảm và nghĩ…
Anh Cao Huy Thuần quý mến,
Xin chân thành cảm ơn anh đã gửi cho tôi bản thảo tập sách này trước khi đưa in, tôi đọc như bơi, hào hứng và sảng khoái, ngợp giữa trong lành dòng sông tri thức rộng lớn, vừa dữ dội vừa êm đềm.
Tập sách cuốn hút tôi từ trang đầu đến trang cuối, dằng dặc những chính kiến thú vị và kết thúc bằng bất ngờ ám ảnh: "Bắt đầu soạn một bài giảng, mình là người không biết gì cả. Bắt đầu đi vào một nghiên cứu, mình là người không biết gì cả. Đọc sách từ sáng đến chiều, miệt mài gần nửa thế kỷ, có biết gì đâu trong biển học mênh mông. Mình chưa bao giờ chấp nhận tranh cãi với ai, dù trước học trò hay công chúng… Suốt đời, đứng trước mọi câu hỏi, cái đầu mình trống không như không biết gì cả".
Tôi rất thấm thía cách nói ấy, cách nói của người biết.
Đọc anh, tôi thực lòng kính phục một học giả uyên thâm biết tìm kiếm đến ngọn nguồn sự biết; tôi lại càng cảm phục một tác gia tinh tế biết nép mình sau trang viết, truyền bá trí tuệ và kết nối lương tri bằng cảm xúc, với tất cả năng lượng tâm hồn cùng năng lực văn chương có thể.
Khi tựa gối - Khi cúi đầu - Khi vò chín khúc - Khi chau đôi mày, bốn chương sách được anh đặt tiểu đề theo nguyên văn câu thơ lục bát trong Kiều, xâu chuỗi bốn trạng thái biểu cảm liên hoàn một hành trình nhận thức, sự lựa chọn tưởng giản đơn mà thật công phu và rất thơ. 
Anh viết nên thơ như thổi hồn nhập vía vào câu chữ, trữ tình hóa mọi sự, nhẫn nại và thiêng liêng theo nhịp tụng kinh Phật.
Anh viết tự nhiên như trò chuyện, từ chuyện trời đất, chuyện quốc gia, nhân loại, chuyện lịch sử, văn hóa, chuyện chính trị, tôn giáo, đến chuyện đời thường, uống trà, nhìn trăng, ngắm hoa, đều nhỏ nhẻ giọng tâm tình nhẹ nhõm, đôi khi hóm hỉnh, hài hước, mà chuyện nào cũng in dấu ấn riêng, cũng đậm đà dưỡng chất bồi bổ nhân tính.
Tôi hiểu rằng, anh không hề có ý định viết văn để làm văn và làm nhà văn; nhưng trang sách của anh lại mách bảo: Anh viết văn trong thiên chức nhà văn đích thực, trân trọng và chăm chút từng con chữ, những con chữ tải đạo.
Nghĩ cho cùng, mọi con chữ có linh hồn đều là phu tải đạo, phải vậy chăng, thưa anh?
Nguyễn Duy
Thanh Hóa, ngày 19 - 6 – 2011
  • Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi và Ta

Tác giả: Cao Huy Thuần
Tháng 7 năm nay, tôi được hân hạnh giảng một số bài tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Học viện đề nghị tôi nói chuyện về luật, không phải luật chỉ cho người học luật, mà cốt là để đối chiếu văn hóa của Tây phương với tư tưởng Phật giáo. Đề nghị đó quả là khó khăn: Phật giáo, khác với các tôn giáo khác, và khác với Khổng giáo, không lấy Nhà nước làm đối tượng triết lý, do đó không có triết lý về luật. Làm sao so sánh?
Thế nhưng Phật giáo có động gì đến xã hội chăng? Làm sao không! Con người sống ở đâu nếu không phải ở trong môi trường thiên nhiên của nó, nghĩa là giữa xã hội, nghĩa là với những con người khác? Hơn thế nữa, con người làm sao sống được nếu không có nước, có ánh sáng, có mặt trời, có con chim nó hót, có cây thông nó reo? Xã hội, trong quan niệm Phật giáo, không phải chỉ giới hạn trong tương quan giữa người với người: đó là quan hệ liên đới sâu thẳm giữa tất cả sự sống với tất cả sự sống. Tương quan là ý niệm căn bản trong Phật giáo. Mà luật là gì trước hết, nếu không phải là quan hệ hỗ tương?
Đơn giản như vậy thôi, nhưng chính ý nghĩa đơn giản đó đã làm điểm tựa để tôi vẽ nó ra bố cục của 6 bài nói chuyện một cách nhất quán.
Tôi nói chuyện trước khoảng 150 thính giả có trình độ năm đầu của Đại học hoặc cao hơn. Luật là kiến thức quá mới mẻ đối với họ, nhưng Phật giáo thì họ đã học nhiều. Điều này buộc tôi vừa không thể đi sâu vào luật, vừa không nên rườm rà về Phật giáo. Vấn đề của tôi là tìm phương pháp để làm nổi bật tính đặc thù của đôi bên trong cái nhìn đối chiếu. Nói cách khác, tôi chỉ mới nhập đề.
Do đó, tôi ngần ngại khi bạn bè tỏ ý muốn in lại các bài giảng của tôi ở nước ngoài. Tôi chỉ mới bới đất, chưa trồng hoa. Và bới đất để trồng hoa còn tùy đất sét hay đất cát. Tôi đã nói như thế, trong lớp học như thế, giữa môi trường như thế. Ra ngoài môi trường đó, biết ai thưởng thức được ai?
Tôi vượt qua ngần ngại vì nhiều lẽ. Trước hết, bạn bè ở bên ngoài cũng nên biết những việc làm ở bên trong. Khiêm tốn, nghèo nàn, Học viện Huế âm thầm, lặng lẽ đóng góp chung thủy của mình vào tương lai văn hóa dân tộc. Ở ngoài khó hiểu hết những khó khăn ở bên trong. Nhưng hãy biết từ những khó khăn đó mà đánh giá những việc làm nhỏ mọn như việc ở xa về làm vài bài giảng. Tưởng như không có gì cả. Vậy mà ý nghĩa đậm đà vô biên. Có những việc không làm được và những việc làm được. Đừng lấy những việc không làm được mà buồn. Hãy lấy những việc làm được mà vui. Đó là lý do khiến tôi không muốn sửa đổi quyển sách cho hợp với điều kiện ở ngoài nước. Tôi muốn trình bày trung thực với bạn bè việc tôi làm, lời tôi nói, không thêm không bớt. Hoa hèn cỏ mọn như vậy đó, nhưng tôi chưa có nỗi vui nào lớn hơn trong cuộc đời giảng dạy của tôi.
Còn một lẽ nữa khiến tôi đồng ý với việc xuất bản này: Tôi muốn kêu gọi bạn bè gởi cảm tình về Học viện, và có lẽ không lời kêu gọi nào chân thành hơn cuốn sách nhỏ này. Ai về Huế hãy ghé thăm Học viện: đơn sơ một dãy nhà giữa gió. Thiếu tất cả. Trừ tấm lòng chung thủy cứ trơ gan cùng tuế nguyệt. Không ai in sách để kiếm tiền! Nhưng bao nhiêu đồng tiền góp được với sách này, bấy nhiêu sẽ gởi về cho ngôi nhà giữa gió đó.
Tháng 12 năm 1999
CAO HUY THUẦN
  • Tôn Giáo Và Xã Hội Hiện Đại: Biến Chuyển Của Lòng Tin Ở Phương Tây

Tác giả: Cao Huy Thuần
Môn xã hội học ra đời ở châu Âu hồi thế kỷ 19 để nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học những biến chuyển đã đưa châu Âu đến "xã hội hiện đại". Khoa học kỹ thuật lúc đó đã phát triển, Thiên Chúa giáo bị phê phán như lạc hậu, "tính hiện đại" là đối tượng của môn nghiên cứu mới, nhưng đồng thời môn nghiên cứu mới đó cũng mang tính hiện đại. Vì vậy, hiển nhiên, câu hỏi về số phận của tôn giáo nằm tận trong căn bản của môn xã hội học vừa khai sinh. Ngay từ khởi thủy, với Auguste Comte, với Emile Durkheim, với Max Weber, khoa xã hội học đã đặc biệt chú trọng đến hiện tượng tôn giáo, và, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của khoa học, đã lạc quan tin tưởng có thể thay thế tôn giáo bằng một đạo đức thế tục mang tính khoa học, cởi bỏ những tin tưởng và những hình thức có tính siêu hình, huyền thoại. Môn xã hội học trở thành vừa là một dụng cụ nghiên cứu, vừa là một khí giới hành động, nhắm mục đích hoàn thiện "tính hiện đại". Từ quan niệm dấn thân như vậy vào quá trình "hiện đại hóa", các nhà xã hội học có khuynh hướng xem tính hiện đại như đối kháng với tính tôn giáo. Mà thật vậy, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, lý tính hóa đã chẳng góp phần vào việc phá vỡ những hệ thống tôn giáo vững chắc qua bao nhiêu chục thế kỷ đó sao? Con người hiện đại ở châu Âu đã chẳng trở nên lạnh lùng, khô cứng, đánh mất "thế giới thần tiên" mà nhân loại đã được nuôi dưỡng qua bao nhiêu thời đại đó sao? Trước tình trạng thoái trào càng ngày càng rõ của Thiên Chúa giáo, đâu có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xã hội học dự đoán tôn giáo sẽ bay về trời vào cuối quá trình của hiện đại hóa? 
Cả hai phía đối kháng đều đã góp phần vào tiên đoán đó. Về phía các nhà xã hội học, Saint Simon, Comte, Durkheim, và sau đó kể cả Marx, với quan niệm tiến hóa diễn ra qua từng giai đoạn kế tiếp bắt buộc, đã vẽ ra một tương lai trong đó tôn giáo truyền thống sẽ úa tàn, sẽ khuất núi, hoặc sẽ được thay thế bằng một tôn giáo thế tục, khoa học. Về phía tôn giáo, sự chống đối bảo thủ quyết liệt để cố giữ lại vị trí ưu tiên trong Nhà nước rồi trong xã hội, suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã góp phần minh chứng luận thuyết Nhà thờ và tính hiện đại không đội chung trời. Khái niệm "thế tục hóa" đã trở thành chìa khóa để các nhà xã hội học nghiên cứu hoàng hôn của tôn giáo trong những xã hội kỹ nghệ hóa. 
Nhưng có thật "thế tục hóa" và tính tôn giáo chơi với nhau một trận chiến trong đó hễ một người thắng thì người kia thua? Ở Mỹ, không ai thua ai, mà hầu như ai cũng thắng. Ở Nhật, một nước kỹ nghệ hóa từ lâu, tám mươi triệu người vẫn còn giữ truyền thống mỗi dịp Nguyên Đán đi lễ đền một lần để lễ bái và để... xin bùa. Đâu là xã hội "thế tục hóa"? 
Châu Âu, trong lĩnh vực tôn giáo, là một mô hình riêng, trong đó địa vị toàn trị của Thiên Chúa giáo trong lịch sử đã gây ra phản ứng chống toàn trị của "thế tục hóa". Khảo sát mô hình Âu châu cốt là để so sánh. So sánh lịch sử của tôn giáo ở đó với tôn giáo ở nơi khác; so sánh địa vị của tôn giáo ở mỗi nơi; so sánh thái độ chính trị của mỗi tôn giáo. Gọi là "tôn giáo", kỳ thực bao nhiêu khác biệt giữa hệ thống tín ngưỡng này với hệ thống tín ngưỡng kia. Cái nhìn, chính trị hay khoa học, phải khác.

Thông tin thêm

Sách cũng có bán tại DAVIBOOKS - SÁCH ĐẤT VIỆT, chi nhánh:
 
- A30/9 QL50, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM (028 6265 2039)
 
DAVIBOOKS đem đến cho Quý độc giả những cuốn sách mới nhất, nhanh nhất, và chất lượng nhất

Thông tin sản phẩm

Lượt xem
147
Trọng lượng
1,00 kg

Sách giảm giá

Nhận xét sản phẩm

Không tìm thấy nhận xét nào cho sản phẩm này
 

Viết nhận xét

Vui lòng đăng nhập để đăng nhận xét