Chuyện Địa Danh Và Chữ Nghĩa Nam Bộ

Chuyện Địa Danh Và Chữ Nghĩa Nam Bộ

Giỏ hàng

 

Chia sẻ

Facebook Twitter Google Buzz Link hay
Tác giả: Huỳnh Công Tín NXB: Văn hóa - Văn Nghệ Hình thức: Bìa Mềm
Giá gốc: 99.000 VNĐ
Giá bán: 89.100 VNĐ
Tiết kiệm: 9.900 VNĐ (-10%)
 
 

Sản phẩm liên quan

 

Mô tả sản phẩm

Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ

Ấn phẩm Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ được in đợt này gồm hai phần: Phần Chuyện địa danh mới được in; phần Chuyện chữ nghĩa đã được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát hành vào quý III/ 2014, nay được in lại với Chuyện địa danh nên có sửa chữa và bổ sung thêm một số mục từ. Tất cả những mục từ của hai phần được viết trong khuôn khổ lượng từ được ấn định khoảng 400 chữ dưới dạng một câu hỏi và một phần trả lời, được đăng định kỳ hằng tuần ở một số báo tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Các mục từ này có thể gặp trong Từ điển Từ ngữ Nam bộ đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học xã hội (2007) và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật (2009) (lần in sau có sửa chữa, bổ sung mục từ với dung lượng thêm khoảng 100 trang). Tuy vậy, các mục từ trong Từ điển thường được chú ý giải thích ngắn ngọn, vừa đủ những thông tin cơ bản để hiểu mục từ, mà không mở rộng nội dung thông tin như ở các mục chuyện trong tập sách này.

Về phần Chuyện chữ nghĩa, các mục từ được chọn thường ít được sử dụng trong giao tiếp hiện nay, như: “ăn đầu thảo, ăn công ký, ăn ngan, ăn ong, dặm hú, đường thét, giầm đốc, quá mùa hò, thằng xà bát…”; hoặc nghĩa của các mục từ gắn liền với những sự kiện, con người trong lịch sử mà muốn hiểu chúng phải có sự dẫn giải thêm, như: “Bạch công tử, Hắc công tử, bá hộ, thiên hộ, dân ngũ Quảng, dân hai huyện, giấy bộ lư, lưu linh miễn tử, xổ nho, xài giấy năm trăm…”; hay những từ ngữ có những nét nghĩa cổ và nét nghĩa địa phương có thể tạo nên sự hiểu nhầm, ngộ nhận, như: “ngựa trớ đường, thị thiềng, thị quá, ghe đục, loạn cào cào, phân đồng, phần thủ, phần do…”. Tất cả không thể đủ như một quyển từ điển, nhưng với phần Chuyện chữ nghĩađược giới thiệu ở đây giúp người đọc hình dung được một số nét đặc thù về tự nhiên, xã hội, con người vùng đồng bằng Nam bộ.

Từ phương diện tự nhiên, đây là vùng đồng bằng ruộng vườn gắn với địa hình kênh rạch, sông nước và phương tiện đi lại xuồng, ghe… Từ phương diện xã hội, đây là vùng đất mới có khả năng thu hút những cư dân phương xa đến lập làng, định cư, khai phá, làm ăn. Từ phương diện con người, đa phần là nông dân kinh qua thực tiễn lao động, ít có điều kiện tiếp xúc tri thức sách vở nên chuộng nếp sinh hoạt bình dị, với tính cách bình dân và lời ăn tiếng nói mộc mạc. Bức tranh quê ngày ấy gợi trong chúng ta một vẻ đẹp hiền hòa!

Về phần Chuyện địa danh, biết rằng tìm hiểu địa danh là con đường ngắn để tiếp cận lịch sử. Nhưng ngày nay, để hiểu địa danh mà người xưa đặt, gọi tên là điều không dễ. Không phải người trước có tư duy rắc rối; trái lại, họ có phần đơn giản trong gọi tên, định danh vùng đất. Nói cách khác, con đường hình thành địa danh của từ ngữ có nguyên do rõ ràng và đôi khi rất đơn giản. Nhưng yếu tố thời gian là nhân tố chính tạo nên những chuyện rắc rối này. Bởi do thời gian, dấu vết của nguyên cớ dần bị xóa bỏ. Thế nên, việc lý giải địa danh không dễ dàng với chúng ta hôm nay. Tuy nhiên, để việc lý giải địa danh có được cơ sở khách quan, đòi hỏi phải chú ý tới yếu tố từ ngữ trong phương ngữ và nên xem xét chúng trong tính hệ thống để tránh sự giải thích tùy tiện, chủ quan. Mặt khác, chú trọng vào thực tại của địa danh, sẽ giúp việc lý giải có thêm được tính chất thực tế hơn.

Nguyên tắc là vậy. Nhưng đi vào thực tiễn từng mục từ, lý giải chuyện gọi tên không hề đơn giản. Vẫn còn tranh luận tên gọi và những lý giải khác biệt về “Chằm Chim” hay “Tràm Chim”?; “Nhà Bàn” hay “Nhà Bàng”... Có những trường hợp đơn giản như Sơn Nam giải thích hai địa danh “Ông Ra” và “Ông Rầy” là những nơi mà cọp (được gọi kiêng dè là “ông”) hay “ra” và “quấy rầy” để cảnh báo dân chúng lưu ý khi đi lại nơi này; từ đó, qua thời gian hình thành địa danh “Ông Ra”, “Ông Rầy”; mà hai địa danh này dễ nhầm lẫn và được xếp lạc vào nhóm địa danh “ông + tên”. Hay như tên gọi “Cần Thơ, Cần Đước, Cần Giờ, Cần Giuộc…” vẫn là địa danh phổ biến, nhưng lý giải nghĩa của địa danh “Cần Thơ” cũng chưa có một hướng giải thích thuyết phục. Khuynh hướng phổ biến thừa nhận, chúng là nhóm địa danh có nguồn gốc từ tiếng Khmer, nhưng vấn đề quan trọng là lý giải sao để “nhóm từ Khmer” có chung thành tố “Cần” có được nghĩa mang tính hệ thống. Tiếng Khmer hiện không phải là tử ngữ, như tiếng Latin; bởi người Khmer vẫn còn đang dùng tiếng Khmer, nhưng bản thân họ cũng không lý giải được những địa danh có thành tố “cần” được cho là có nguồn gốc từ tiếng Khmer nữa thì sao nói là có nguồn gốc từ tiếng Khmer?!

Đúng như Sơn Nam, khi nhận xét về công việc làm từ điển của chúng tôi khi trước, nhà văn có nói: “Chữ nghĩa quả thật là gánh nặng dành cho thế hệ trẻ”. Điều đó quá đúng với trường hợp chúng ta phải giải nghĩa từ ngữ của người xưa và nhất là đi vào việc giải thích địa danh.

Lần xuất bản này, chúng tôi chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để quyển sách Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ sớm đến tay bạn đọc. Lời sau hết, chúng tôi muốn nói: Dù cố gắng thế nào, việc làm này không thể tránh khỏi sai sót.

Mong được bạn đọc lượng tình chỉ bảo để lần xuất bản tiếp theo nếu có được tốt hơn!

HUỲNH CÔNG TÍN

Giải nghĩa:

Chắc Cà Đao

Sao gọi là Chắc Cà Đao?

Địa danh này được lý giải ra sao?

Chắc Cà Đao là tên xứ, rạch, vàm, chợ, hiện thuộc thị trấn An Châu, Châu Thành, tỉnh An Giang. Tên này được nhắc tới trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, 1806, của Lê Quang Định và được ghi trên tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ trong quyển Dictionarium Anamitico Latinum, 1838, của J. L. Taberd. Hiện có hai ý kiến giải thích về tên gọi này: 1. “Chắc Cà Đao” là từ Khmer “Prek Pedao”, có nghĩa: “Rạch có mây rừng”. 2. “Chắc Cà Đao” do tiếng Khmer “Cháp Kdam” có nghĩa: “Bắt cua, vì vùng này xưa kia có nhiều cua”.

Xét hai ý kiến giải thích có thể thấy rằng, ý kiến 1 thì gần gũi với lối định danh của người Nam bộ; ý kiến 2 thì sự chuyển âm giữa âm ban đầu và âm tiếp sau có phần gần gũi hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp vùng này có nhiều cua, thì lối định danh hợp lý hơn sẽ là rạch cua, chớ không phải là “bắt cua”. Vì trong việc định danh, người ta thường cấu trúc từ hai thành tố. Trong đó, thành tố đầu thường là danh từ hoặc số từ, thành tố sau có thể là một danh từ, tính từ hoặc động từ… Vì thế, giải thích nguồn gốc địa danh theo ý kiến 1 có thể dễ được chấp nhận hơn. Mặt khác, trong cảm nhận nghĩa khái quát thì địa danh “Chắc Cà Đao” được hiểu là: “một nơi nào đó xa xôi, hẻo lánh, quê mùa” nên rạch có nhiều mây rừng thì phù hợp. Trong ca dao An Giang có câu: “Anh về xứ Chắc Cà Đao. Bỏ em ở lại như dao cắt lòng.”.

Cù lao Phố

Cù lao Phố ở đâu? Sao gọi là cù lao Phố?

Cù lao Phố, nay là xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có diện tích  gần 7km2. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, vốn hai vị tướng nhà Minh (Trung Quốc) theo phong trào “phản Thanh phục Minh” bị thất bại, đã dẫn theo đoàn tùy tùng sang Việt Nam xin cư trú và được chúa Nguyễn chấp thuận. Trần Thượng Xuyên được cho vào đất cù lao Phố khẩn hoang. Còn Dương Ngạn Địch được cho vào đất Mỹ Tho khai phá. Khi đến cù lao Phố, Trần Thượng Xuyên đã cùng người dân địa phương khai khẩn xây dựng. Họ đã biến đất cù lao này thành thương cảng lớn, với nhiều ngành nghề phát triển, như: trồng dâu nuôi tằm, trồng mía ép đường, phát triển nghề mộc, dệt chiếu, gốm sứ, đúc đồng… Tuy nằm xa biển, nhưng cù lao Phố là nơi sông sâu, nước chảy có thể đi đến mọi miền, lại nhờ hàng hóa dồi dào, thương mại phát triển, giao thương phát triển, nên nơi đây thường xuyên đón nhiều tàu thuyền trong nước, ngoài nước tới lui buôn bán, giao dịch.

Cù lao Phố còn được gọi là “Giản Phố” hay “Đông Phố”, “Cù Châu”, “Bãi Rồng”. Lý giải tên gọi “Giản Phố”, “Đông Phố” có ý kiến cho rằng, chữ “Giản” và chữ “Đông” viết theo chữ Hán có nét gần giống nhau, nên dẫn đến sự lẫn lộn, khó phân biệt. Còn nguyên nhân dùng chữ “Giản Phố” hay “Đông Phố” có lẽ đây là vùng đất mà thương nhân Cao Miên (Campuchia) hay đi lại, nên gọi một cách phiếm chỉ là Giản Phố (Giản Phố Trại là phiên âm Hán của từ “Campuchia”). Lại có ý kiến cho rằng, sở dĩ có chữ “Phố” là chỉ sự phát triển đô thị của cù lao này. Về tên gọi “Cù Châu” hay“Bãi Rồng”, có người cho rằng, hình thế đất cù lao này có hình giống con rồng có sừng (hoa cù). Còn gọi “Nông Nại đại phố” hay “phố lớn Đồng Nai”, là dùng để chỉ nơi có được điều kiện kinh tế phát triển tương đối mạnh, tương tự như “Mỹ Tho đại phố”.

Đại Thế Giới

Đại Thế Giới là gì?

Đại Thế Giới, nay là Trung tâm văn hóa quận 5, nằm ở 105, Trần Hưng Đạo B, quận 5 bây giờ. Trước là một khu cờ bạc rộng khoảng 1ha, được chính quyền Pháp cho phép thành lập trong những năm cai trị đất Nam kỳ; có bảng hiệu bằng chữ Pháp GRAND MONDE, nên gọi Đại Thế Giới.

Khu cờ bạc này không kém gì Macau, Hồng Kông thời ấy, do một trùm cờ bạc là Lâm Giống từ Hồng Kông tới, trực tiếp điều hành vào khoảng những năm 1930. Nghe đâu, giá bỏ thầu 10 triệu và tiền đóng thuế mỗi ngày 200 ngàn (giá vàng lúc đó chỉ khoảng 100 đồng/lượng), cho thấy sòng bạc này thu bạc tỷ là điều hoàn toàn có thể.

Đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, Bảy Viễn - tay anh chị khét tiếng đã từng vào tù ra khám, vượt Côn Đảo như “cóc bỏ dĩa” và với “mác” thủ lĩnh Bình Xuyên - đã buộc Lâm Giống phải nhường lại Đại Thế Giới cho mình. Mức đóng thuế lúc này được nâng lên 500 ngàn đồng/ngày, nhưng sòng bạc vẫn lãi gấp 5, 7 lần.

Cuối năm 1954, Ngô Đình Diệm cho dẹp bảng hiệu Đại Thế Giới, khi dẹp lực lượng Bình Xuyên. Bảy Viễn phải chạy sang Pháp, nhưng cái tên về một khu đất ăn chơi, sát phạt vẫn còn lưu lại lâu trong ký ức người Sài Gòn và dân lục tỉnh.

Đàng Trong và Đàng Ngoài

“Đàng Trong” và “Đàng Ngoài” là chỉ những vùng đất nào?

Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” là thuật ngữ địa - chính trị, chỉ khu vực phía nam và bắc sông Gianh dưới quyền cai trị độc lập của các chúa Nguyễn trên đường hướng cát cứ, đối lập với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nói cách khác, cặp khái niệm này được hình thành từ thời điểm Trịnh - Nguyễn phân tranh với hai mốc thời gian khởi đầu được ghi nhận: (1) tính từ năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa; (2) tính từ năm Nguyễn Hoàng trở về Thuận Quảng năm 1600, sau một thời gian đem quân ra Bắc giúp Trịnh Tùng đánh dẹp quân Mạc khởi đầu năm 1593; mặc dù năm 1627, Nguyễn Phước Nguyên (chúa Sãi) mới chính thức ra mặt chống lại vua Lê, chúa Trịnh, cát cứ Đàng Trong. Còn mốc thời gian kết thúc được ghi nhận năm 1777, năm Tây Sơn đánh vào Gia Định, kết thúc chiến tranh Tây Sơn - chúa Nguyễn. Nhưng Nguyễn Ánh thoát chết, gây dựng lại nghiệp chúa và đánh chiếm Phú Xuân 1801, giành lại Thăng Long năm 1802, thống nhất đất nước.

Khái niệm “trong”, “ngoài”, có thể suy luận: cặp khái niệm này có thể xuất hiện lần đầu tiên từ vùng đất phương Nam. Vì chỉ có ở phương Nam, mới có thể gọi “trong Nam” và không thuộc vùng đất này mới gọi “ngoài Bắc”. Còn lý giải như An Chi, cặp khái niệm “trong - ngoài” có liên hệ với cặp khái niệm “vào - ra” trong ngôn ngữ Việt. Tiếng Việt từ thế kỷ XV đã xuất hiện những biểu hiện ngôn ngữ dùng từ “vào/nhập” để chỉ sự dịch chuyển từ phương vị bắc đến phương vị nam, và ngược lại thì dùng từ “ra/xuất”. Lãnh thổ Việt Nam thời kỳ này mới bao gồm vùng Bắc bộ và dải đất từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên. Xuất phát từ điểm nhìn của chủ thể (dân tộc Việt), việc di chuyển từ phương vị bắc đến nam là dần ra khỏi phạm vi quốc thổ nên gọi là “ra Bắc”, đồng thời tiến dần vào địa giới nước khác nên gọi là “vào Nam”. Căn cứ vào tính liên đới của trường ngôn ngữ thì “vào - ra” sẽ lần lượt tương ứng với “trong - ngoài”, từ đó hình thành khái niệm “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài”.

* * *

Sách cũng có bán tại DAVIBOOKS - SÁCH ĐẤT VIỆT, chi nhánh:

-  A30/9 QL50, Bình Hưng, Bình Chánh, TP.HCM (08.62 97 23 56)

-  124 Bình Qưới, Q. Bình Thạnh, TP. HCM (08 88 000 579)

-  Chợ Chùa, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi (055.3 861 881)

Davibooks đem đến cho Quý độc giả những cuốn sách mới nhất, nhanh nhất, và chất lượng nhất.

 

Thông tin sản phẩm

Số trang
435
Kích thước
14.5 x 20.5 cm
Lượt xem
626
Trọng lượng
340 gr

Sách giảm giá

Nhận xét sản phẩm

Không tìm thấy nhận xét nào cho sản phẩm này
 

Viết nhận xét

Vui lòng đăng nhập để đăng nhận xét